Tập đoàn Dabaco đẩy nhanh sản xuất thương mại vaccine dịch tả lợn châu Phi Xem xét cho xuất khẩu Vaccine dịch tả lợn châu Phi sản xuất trong nước |
Văn bản số 4870/BNN-TY ngày 24/7/2023 của Bộ này nêu rõ, vaccine dịch tả lợn châu Phi gồm NAVET-ASFVAC do Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO nghiên cứu, sản xuất và AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất đã được đăng ký và cấp Giấy chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các tiêu chuẩn kỹ thuật của quốc tế đối với vaccine thú y.
Đây là những vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành, đặc biệt trong bối cảnh sau hơn 100 năm qua chưa có vaccine thương mại trong phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi được cấp phép trên thế giới.
Đồng thời cũng đã triển khai quá trình tiêm có giám sát kết quả. Theo đó đến tháng 7/2023, tổng cộng đã có hơn 650.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát chất lượng đạt 100%; sử dụng an toàn theo hướng dẫn của nhà sản xuất tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước; lợn tiêm phòng đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, tỷ lệ lợn được tiêm vaccine có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao, đạt trung bình trên 95%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu việc sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi để phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; tổ chức lấy mẫu giám sát, đánh giá sau tiêm phòng.
Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO và Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam trong việc triển khai sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Ảnh minh hoạ |
Văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị hai doanh nghiệp sản xuất vaccine xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng vaccine theo nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu, bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu lực theo đúng quy định.
Bộ cũng yêu cầu cơ quan chức năng là Cục Thú y phối hợp với các chuyên gia quốc tế, nhất là chuyên gia Hoa Kỳ để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi cho các đối tượng lợn khác (lợn nái, lợn đực giống) ở các lứa tuổi khác nhau; tổ chức nghiên cứu, đánh giá sử dụng vaccine tại thực địa.
Hiện nay, các cơ quan thẩm quyền của Philippines đang thúc đẩy để các doanh nghiệp của Philippines khẩn trương hoàn tất các thủ tục đăng ký nhập khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam.
Cùng đó, Bộ Nông nghiệp nước Cộng hòa Dominica đã có Công thư cảm ơn, đánh giá cao sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, các đơn vị chuyên môn và doanh nghiệp Việt Nam, mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tiến tới bán vaccine dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam để sử dụng tại Cộng hòa Dominica.