Cải cách tiền lương cùng với tăng lương hưu, các khoản trợ cấp từ 1/7/2024 Bộ Nội vụ đang khẩn trương hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới |
Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công. Thời gian tăng từ ngày 1/7/2024, trùng với thời điểm tăng lương cơ sở và lương tối thiểu vùng.
Như vậy, từ ngày 1/7 tới đây, lương công chức, viên chức, lương hưu, lương tối thiểu vùng áp dụng với khu vực doanh nghiệp đồng loạt được điều chỉnh. Cùng với việc tăng lương cho công chức viên chức, gần 3,4 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng rất quan tâm đến mức điều chỉnh lương hưu.
Gần 3,4 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng rất quan tâm đến mức điều chỉnh lương hưu |
Việt Nam hiện có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu nhưng chỉ có gần 3,4 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ Quỹ bảo hiểm xã hội và 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách nhà nước.
Người Việt Nam hưởng hưu trí tối đa 75%, tuy nhiên tiền lương tính đóng bảo hiểm thấp nên lương hưu bình quân chỉ đạt 5,4 triệu đồng/tháng.
Từ năm 2016 - 2023, Chính phủ đã 6 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng với các mức điều chỉnh tương ứng: 8% (năm 2016); 7,44% (năm 2017); 6,92% (năm 2018); 7,19% (năm 2019); 7,4% (năm 2022); 12,5% (năm 2023) trên mức lương hưu hiện hưởng.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, tính toán lại các phương án điều chỉnh cụ thể bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc và cơ sở pháp lý tại quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về việc điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu được dựa trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 28-NQ/TW...
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.