Bộ Giao thông vận tải cho biết, qua 10 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.
Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ 2008 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để xây dựng Luật thay thế, cụ thể như sau:
Về quy tắc giao thông: Khi xây dựng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã tham khảo các quy định của Công ước giao thông đường bộ và Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ năm 1968 (Công ước Viên 1968), tuy nhiên hiện nay Việt Nam đã gia nhập hai công ước này nhưng một số quy định của Công ước Viên 1968 nhằm đảm bảo an toàn giao thông, phù hợp với thực tế của Việt Nam chưa được nội luật hóa, quy định cụ thể như quy định hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, vượt chạy theo dòng, dừng, đỗ xe, quy định cấm người lái xe ô tô sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe, quy định phải thắt dây an toàn tại các vị trí có dây trên xe ô tô, quy tắc dành cho người đi xe đạp, người đi bộ...;
Một số các quy tắc giao thông trong Luật Giao thông đường bộ 2008 chưa được hiểu thống nhất dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện đặc biệt khi giải quyết các vụ án liên quan đến an toàn giao thông đường bộ như sử dụng làn đường, lùi xe, dừng, đỗ...
Về kết cấu hạ tầng: Tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị hiện nay còn thấp hơn so với quy định, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác, con số này mới chỉ đạt từ 5 - 12% tùy theo từng khu vực trong khi theo yêu cầu là từ 16%-26%. Giao thông tại các đô thị lớn còn thường xuyên ùn tắc, trong đó có một phần là hạ tầng chưa đầy đủ, đồng bộ; hệ thống đường tỉnh thiếu vốn đầu tư xây dựng, chất lượng còn hạn chế; đường giao thông nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, chưa hoàn thành việc cứng hóa kết cấu mặt đường.
Nhiều vị trí hành lang an toàn đường bộ chưa được đền bù (do vốn đầu tư xây dựng công trình thiếu); nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp hàng năm để thực hiện đền bù, thu hồi đất trong hành lang còn thiếu nhiều so với nhu cầu. Tình trạng người dân sử dụng trái phép hành lang mở lều quán kinh doanh thường xảy ra cần có sự vào cuộc để kiểm tra, xử lý, cưỡng chế của các lực lượng chức năng.
Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách đối với hạ tầng giao thông đường bộ còn chiếm tỷ trọng thấp nên việc huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế còn hạn chế do vướng mắc về cơ chế chính sách chưa đầy đủ, thiếu nhất quán, ổn định. Nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trì đường bộ để thực hiện công tác bảo trì chưa đủ so với nhu cầu (đối với hệ thống quốc lộ đáp ứng được khoảng 45% yêu cầu). Nguồn kinh phí bảo trì đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường nông thôn gặp nhiều khó khăn. Các quy định liên quan đến đường cao tốc hiện nay mới được Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều tiết ở các quy định cơ bản nhất về quy tắc giao thông trên đường cao tốc.
Về quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, theo Bộ Giao thông vận tải, hiện chưa có khung pháp lý cho các phương tiện giao thông thông minh, phương tiện lưỡng tính có thể di chuyển cả trên đường bộ và đường thủy hoặc hàng không.
Về quản lý người điều khiển phương tiện, việc phân hạng giấy phép lái xe hiện nay chưa hoàn toàn phù hợp với quy định của Công ước Viên; chưa quy định việc công nhận giấy phép lái xe quốc tế của các quốc gia là thành viên Công ước cấp.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ quy định cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe dùng động cơ nhiệt mà không quy định yêu cầu giấy phép lái xe cho người điều khiển loại xe tương tự sử dụng động cơ điện là chưa phù hợp, tạo lỗ hổng trong quản lý nhà nước về giao thông đường bộ và tại Điều 63 quy định người điều khiển xe đạp có tốc độ nhỏ hơn 20km/giờ phải hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ, không có quy định người lái xe máy có tốc độ lớn hơn 25km/giờ phải hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ; trong khi nguy cơ tai nạn do xe máy cao hơn xe thô sơ và xe đạp.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định giấy phép lái xe dành cho người điều khiển ô tô bao gồm 6 hạng, trong đó chỉ phân biệt Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe, Hạng B2 cấp cho người hành nghề kinh doanh vận tải; các hạng còn lại không phân biệt đối tượng cấp. Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai thực hiện chỉ có người lái xe kinh doanh vận tải mới có nhu cầu học, để được cấp giấy phép lái xe các hạng còn lại và tỷ lệ gây ra các vụ tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên chủ yếu là do người hành nghề lái xe kinh doanh vận tải…
Sau quá trình tổng kết, nghiên cứu, Bộ Giao thông vận tải thấy rằng, bên cạnh việc phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy tắc giao thông của các công trình đường bộ có tính chất đặc thù như: đường cao tốc, cầu dài vượt biển...; các cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng; khung pháp lý cho các loại phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đặc biệt là hệ thống giao thông thông minh; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải cho phù hợp với thực tế... Vì vậy, việc xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thay thế cho Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là hết sức cần thiết.