Bộ Tư pháp cho biết, sau 6 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn, cụ thể:
Đối với công tác xử phạt vi phạm hành chính, khó khăn, vướng mắc chủ yếu tập trung vào những vấn đề như: Mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe; sự thay đổi tên gọi, chức năng, niệm vụ của các chức danh thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến thay đổi về thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền dẫn đến tình trạng dồn quá nhiều vụ việc lên cơ quan cấp trên; các quy định về thời hạn, thời hiệu thực hiện các công việc chưa phù hợp thực tế; thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn nhiều bất cập, khiến cho việc xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu gặp nhiều khó khăn; việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng có những hạn chế nhất định do các quy định của Luật liên quan đến vấn đề này chưa đầy đủ, thiếu thống nhất;…
Ảnh minh họa |
Đối với việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, khó khăn, vướng mắc chủ yếu tập trung vào những vấn đề như: Việc quy định điều kiện, đối tượng áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo Luật XLVPHC quá chặt chẽ khiến cho việc triển khai công tác này trên thực tế rất hạn chế (đặc biệt là quy định “02 lần trong 06 tháng” thực hiện hành vi vi phạm); thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bị kéo dài không cần thiết do đối tượng phải trải qua biện pháp tiền đề giáo dục tại xã, phường, thị trấn; các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn rườm rà, nhiều quy định chưa thống nhất; một số quy định thiếu tính khả thi (ví dụ: Điều 131 Luật XLVPHC về việc giao tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do tòa án nhân dân xem xét, quyết định)...
Đối với công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, việc quy định chế độ báo cáo định kỳ 06 tháng gây nhiều khó khăn cho các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện việc thống kê, tổng hợp báo cáo.
Xuất phát từ những vướng mắc, bất cập nêu trên, việc sửa đổi Luật XLVPHC là hết sức cần thiết nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên tất cả các lĩnh vực.
Bộ Tư pháp đã đề xuất dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 gồm 5 điều. Trong đó, Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC; Điều 2. Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Luật XLVPHC; Điều 3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 30 của Luật thanh tra năm 2010; Điều 4. Bãi bỏ một số điều, khoản của Luật XLVPHC và Luật phòng, chống ma túy năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008); Điều 5. Hiệu lực thi hành.