Về sử dụng công chức, so với quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì dự thảo Nghị định có một số nội dung mới sau:
Thứ nhất, giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng và cung cấp phần mềm thi, ngân hàng câu hỏi, đề thi, đáp án cho các kỳ thi nâng ngạch công chức.
Theo quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì khi tổ chức thi nâng ngạch công chức, Hội đồng thi thành lập Ban đề thi. Tuy nhiên, trong thực tiễn, có nhiều đơn vị khi tổ chức thi đã hợp đồng với đơn vị công lập có điều kiện để ra đề thi; đồng thời, chất lượng đề thi của mỗi Bộ, ngành, địa phương khi thực hiện có khác nhau dẫn đến việc đánh giá chất lượng chung của đội ngũ công chức gặp khó khăn. Đã có đơn vị đề nghị Bộ Nội vụ xây dựng phần mềm, ngân hàng câu hỏi, đề thi để cung cấp thực hiện nhằm bảo đảm chất lượng đội ngũ. Bộ Nội vụ báo cáo, đề xuất Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng và cung cấp phần mềm thi, ngân hàng câu hỏi, đề thi, đáp án cho các kỳ thi nâng ngạch công chức.
Thứ hai, quy định về xét nâng ngạch công chức trước, sau đó tổ chức thi nâng ngạch: Thực hiện quy định của Luật số 52/2019/QH15 thì nâng ngạch thực hiện đối với công chức có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ hoặc công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo. Do vậy, dự thảo Nghị định đã bổ sung nội dung quy định thực hiện rà soát để xét nâng ngạch trước, sau đó mới tổ chức thi nâng ngạch, bảo đảm tính thống nhất khi thực hiện.
Thứ ba, quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi cũng được nghiên cứu để thay đổi về điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Nội dung này được nghiên cứu để bảo đảm tính thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 100/2019/QH14 của Quốc hội (tương tự như đối với tuyển dụng công chức).
Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, đây là nội dung mới hướng dẫn thực hiện Điều 6 Luật số 52/2019/QH14, dự thảo dành 02 Điều (Điều 28 và Điều 29) quy định trách nhiệm rà soát, phát hiện người có tài năng trong hoạt động công vụ; khung chính sách về đào tạo, bồi dưỡng; khung chính sách sử dụng; khung chính sách về quy hoạch, bổ nhiệm; khung chính sách về lương, thưởng và chế độ phúc lợi; khung chính sách tôn vinh. Theo đó, dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương căn cứ quy định khung tại Nghị định này để cụ thể các chính sách phù hợp với thực tiễn của cơ quan, tổ chức, địa phương mình.