Công bố danh sách 139 học sinh được miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển thẳng đại học năm 2024 Từ câu chuyện suất ăn bán trú, ĐBQH đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo gỡ vướng chính sách |
Trong các nội dung sửa đổi có đề xuất học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người được miễn học phí ở tất cả các cấp học, ngành học.
Tại Điều 10 của Dự thảo Nghị định sửa đổi, Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp có nhiều nội dung sửa đổi trong đó nhấn mạnh đến việc phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chiến lược phát triển giáo dục chung của quốc gia; xây dựng chính sách phát triển giáo dục ở tất cả các cấp học phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đề xuất học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người được miễn học phí ở tất cả các cấp học, ngành học. (Ảnh Internet) |
Đối với việc phát triển các cơ sở giáo dục, dự thảo nêu rõ: các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đa dạng các hình thức đào tạo, dạy nghề cho người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm từng vùng nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế.
Dự thảo cũng đề cập việc thực hiện chính sách ưu tiên tuyển sinh, học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, chỗ ở, tín dụng giáo dục và chính sách hỗ trợ học tập khác đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số.
Trong đó nhấn mạnh việc học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người được miễn học phí ở tất cả các cấp học, ngành học.
Các chính sách ưu đãi cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác theo quy định của nhà nước; tăng cường đào tạo giáo viên là người dân tộc thiểu số và giáo viên dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số.
Chú trọng thực hiện chính sách phát triển, bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng và có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với lao động là người dân tộc thiểu số. Thu hút, sử dụng đội ngũ chuyên gia là người dân tộc thiểu số tham gia nghiên cứu, xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.
Bên cạnh đó một số chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tại Điều 11 của Dự thảo Nghị định cũng được sửa đổi, bổ sung. Đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số có năng lực và đủ tiêu chuẩn phù hợp quy định của pháp luật, được ưu tiên bổ nhiệm giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp; Đảm bảo cơ cấu cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo là người dân tộc thiểu số ở địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Dự thảo cũng đề cập đến việc đảm bảo tỷ lệ hợp lý cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, ưu tiên quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nữ, trẻ, dân tộc thiểu số rất ít người tham gia vào các cơ quan, tổ chức trong hệ thống cơ quan nhà nước. Tuyển dụng, phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số và thực hiện chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
Ngoài ra Dự thảo cũng lấy ý kiến sửa đổi về Chính sách biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Chính sách chi thăm hỏi, chúc mừng, động viên đối với một số đơn vị, cá nhân là người dân tộc thiểu số; Chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa; Chính sách phát triển thể dục, thể thao; Chính sách phát triển du lịch; Chính sách y tế, dân số…