Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2024: Người lao động có thể được nghỉ 5 ngày liên tục Người dân “nườm nượp” mua tour du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 |
Kỳ vọng kích cầu du lịch
Năm 2024, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 có ngày 29/4 (thứ hai) nằm giữa 2 ngày nghỉ lễ và 2 ngày nghỉ cuối tuần. Vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ý kiến đề xuất hoán đổi ngày làm việc bình thường (ngày 29/4), chuyển sang làm bù ngày khác để dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lý giải, việc hoán đổi ngày làm việc giúp kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; việc hoán đổi cũng không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Du lịch nội địa chuẩn bị bước vào mùa cao điểm. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Thông tin đề xuất người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục dịp 30/4-1/5 khiến không ít người dân và doanh nghiệp bất ngờ, nhưng đa số rất ủng hộ. Đặc biệt, đối với ngành du lịch, đây là tin rất tích cực.
Theo một số đại diện doanh nghiệp du lịch cho rằng, đề xuất nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày ngành du lịch như đang được "tiếp sức", tạo thêm hứng khởi trước khi bước vào mùa cao điểm du lịch hè sắp tới.
Ông Nguyễn Minh Mẫn – Giám đốc Marketing TST Touris chia sẻ, năm 2024, ngành lữ hành bên cạnh yếu tố tích cực sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ hàng không bao gồm việc bảo dưỡng động cơ, giảm đường bay, tăng giá do đó khách hàng chính là người dùng sau cùng sẽ có quyết định trong việc lựa chọn hình thức du lịch phù hợp với nhu cầu.
Theo đó, kỳ nghỉ 30/4-1/5 kéo dài thêm một ngày sẽ có tác động đến kế hoạch du lịch của người dân, nhất là kế hoạch chơi xa. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp lữ hành có cơ hội đưa ra thị trường các sản phẩm, tour đã thiết kế sẵn, nhất là các chặng tour kéo dài nhiều ngày.
Còn theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, cố vấn Trung tâm Du lịch và sự kiện, Công ty Vận tải và du lịch Vitraco, nghỉ lễ kéo dài 5 ngày là rất có lợi để kích cầu du lịch. Các đơn vị lữ hành đều có kinh nghiệm đón khách dịp 30/4-1/5 và thường thiết kế sản phẩm đều trong khung thời gian từ ngày 27/4-1/5.
Hiện, các doanh nghiệp lữ hành đang mong chờ đề xuất nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày được thông qua. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nếu như có kế hoạch sớm hơn, đơn vị sẽ có kế hoạch phát triển các sản phẩm tour phù hợp với quỹ thời gian được nghỉ và đủ thời gian chuẩn bị, quảng bá rộng rãi hơn nữa cho sản phẩm này. Đồng thời, doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách. Mặt khác, do nghỉ lễ chỉ còn hơn hai tuần, nhiều khách hàng đang trở tay không kịp.
Lấy lại sức hút cho du lịch nội địa
Bước vào mùa cao điểm năm nay, ngành du lịch nội địa đang gặp một số khó khăn, đặc biệt là giá vé máy bay. Trong đó, do các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet đều giảm tàu bay đi bảo dưỡng, Pacific không khai thác, Bamboo gần như giảm hầu hết các đường bay và chỉ còn duy trì số ít nên giá tour nội địa sẽ bị đẩy lên cao, do giá vé máy bay chiếm từ 30-60% cấu thành giá tour.
Ngành du lịch trong nước đang bị tác động tiêu cực bởi giá vé máy bay tăng cao. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Giám đốc Tiếp thị truyền thông, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist - bà Đoàn Thị Thanh Trà cho biết, với mức tăng giá trần vé máy bay như hiện nay, công ty sẽ phải tăng giá tour tới 15%. Dù việc tăng giá này cũng là yếu tố khách quan bởi lữ hành phụ thuộc rất nhiều vào lưu trú, hàng không.
Hiện, mức gia tour nội địa đang tương đương du lịch nước ngoài nên đa số khách thường chọn xuất ngoại. Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Phát triển du lịch châu Á (ATI) nhấn mạnh, khi khách Việt Nam ra nước ngoài là một thiệt thòi đối với ngành du lịch cũng như kinh tế trong nước. Bởi khi khách đi du lịch, không chỉ những dịch vụ khách đặt tour được hưởng lợi mà các hành trình khách đi qua nếu khai thác tốt đều mang lại những nguồn lợi vô cùng lớn.
Trước thực tế khách Việt có xu hướng lựa chọn du lịch nước ngoài, do giá tour nội địa tăng cao, theo ông Phạm Hải Quỳnh, chúng ta phải nhìn nhận lại tổng quan bức tranh du lịch cũng như có những chính sách, chế tài, những dịch vụ mang tầm quốc gia để hỗ trợ cho những dịch vụ đang phải bù lỗ. Từ đó bình ổn giá, cân bằng thị trường. "Nếu làm được điều đó, giá du lịch trong nước sẽ không bị đắt hơn du lịch nước ngoài như bây giờ. Qua đó Việt Nam mới lấy lại được sức hút của mình"- ông Quỳnh nói.
Trong bối cảnh ngành du lịch đang nỗ lực phục hồi nhưng vẫn phải đối diện với rất nhiều thách thức, nhất là các tác động từ giá vé máy bay. Vì thế, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - ông Vũ Thế Bình, ngành hàng không và du lịch cần ngồi lại để tìm “tiếng nói chung,” tạo ra sản phẩm có giá tốt nhất cho thị trường và khách hàng. Đặc biệt là phải có một “nhạc trưởng” để dung hòa lợi ích các bên, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, nhất là vào dịp lễ, Tết, nhu cầu du lịch tăng cao.
Ngoài ra, để kích cầu du lịch, thiết nghĩ các doanh nghiệp, điểm đến trong nước phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Bởi, theo như Tổng giám đốc Flamingo Redtours - ông Nguyễn Công Hoan, khuyến mại về giá sẽ không còn là yếu tố hấp dẫn nữa mà các đơn vị du lịch phải “khuyến mại” bằng thêm dịch vụ mới, nâng cao lượng nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.