Rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ mất nhiều quyền lợi Đề xuất rút bảo hiểm xã hội một lần: Cần đảm bảo lợi ích cho người lao động |
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra 2 phương án về bảo hiểm xã hội một lần của người lao động, trong đó phương án 1 giữ nguyên như quy định hiện hành của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội.
Phương án 2 quy định, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu, thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Cả hai phương án đều áp dụng điều kiện sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thực chất của điều kiện trên là chấm dứt hợp đồng lao động và không tham gia vào quan hệ lao động mới cho người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần, như vậy là không phù hợp với mục đích và bản chất của bảo hiểm xã hội một lần. Trong khi đó, bảo hiểm xã hội một lần là nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu cấp bách của một bộ phận người lao động mất việc làm, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, để đảm bảo duy trì cuộc sống. Vì vậy, cơ quan này đề nghị xem xét để giảm điều kiện về thời gian từ 12 tháng xuống mức khoảng 3 tháng.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, cả nước có 4.058.317 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, bình quân mỗi năm có gần 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định, đa số người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều. Người lao động bị mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như cần tiền để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình hoặc đầu tư cho con ăn học cho nên nhu cầu tài chính ngắn hạn của người lao động sau khi nghỉ việc rất lớn.
Ngoài ra, hiện quy định điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu dẫn đến đa số người lao động khi nghỉ việc mới chỉ có từ 3 đến dưới 10 năm đóng góp sẽ rất khó để quyết định chờ đợi đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Với những điều kiện hiện tại cộng với những khó khăn trong việc tìm kiếm, duy trì việc làm ở khu vực chính thức đã khiến những người lao động khó theo đuổi đóng góp bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện được hưởng chế độ hưu trí trong tương lai khi về già.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, sau khi tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ được hoàn thiện trình Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận lần thứ nhất tại kỳ họp tháng 10/2023.