Theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp, nhiều chương trình hành động, bao gồm cả việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo lộ trình vào năm 2016 và 2019, nhưng kết quả thu được chưa cao. Tỷ lệ người sử dụng thuốc lá chỉ giảm ở mức khiêm tốn, từ mức 47,4% tỷ lệ hút thuốc ở nam giới vào năm 2010 xuống 45,3% vào năm 2015 và khoảng 42,7% vào năm 2022.
Một trong những lý do chính là do giá thuốc lá của Việt Nam nhìn chung còn thấp, hiện đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia (theo đánh giá của WHO). Theo Luật hiện hành, thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá tại Việt Nam ở mức 75% giá bán của nhà sản xuất; tuy nhiên, tổng các khoản thuế tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 38-39% trong giá bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam, thấp hơn rất nhiều so với trung bình của các quốc gia có mức thu nhập trung bình (59%) và đa số các nước ASEAN (khoảng 60-70%).
Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế hỗn hợp, bổ sung mức thuế tuyệt đối với mặt hàng thuốc lá (Ảnh minh họa). |
Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và 2025 của Quốc hội, Bộ Tài chính đã triển khai nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế hỗn hợp, gồm thuế tương đối (hay còn gọi là thuế theo tỷ lệ phần trăm) giữ nguyên ở mức 75%, đồng thời bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm từ năm 2026 đến năm 2030.
Bộ Tài chính đề xuất hai phương án: Phương án 1 sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên và đạt mức tăng 10.000 đồng vào năm 2030. Phương án thứ hai là áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất sử dụng phương án 2.
Các chuyên gia nhận định, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là cần thiết nhằm thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân, phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.