Bổ sung quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu chặt chẽ hơn Quỹ bình ổn giá xăng dầu là vùng đệm trước khi dùng công cụ thuế |
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó có kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nên cần phải xem xét thật kỹ trước khi đưa ra quyết định.
Bộ Tài chính có ý kiến gì?
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Tại dự thảo, Bộ Tài chính cho rằng bình ổn giá được xác định là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế xã hội nhất định.
Đối với các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, tuy nhiên Bộ Tài chính đã đưa ra một số điều chỉnh theo nội dung chính sách. Cụ thể, bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá. Hiện nay chỉ tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Vì vậy quy định trong dự thảo được thông qua thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ bị hủy bỏ. Bộ Tài chính cho rằng gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.
Bộ Tài chính đang đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu (ảnh TTXVN) |
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, trả lời báo chí, ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, Bộ đang dự thảo sửa đổi Luật Giá theo nguyên tắc kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường. Theo ông Tuấn, thực chất Quỹ bình ổn giá xăng dầu này là trích từ người tiêu dùng. Trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Để phù hợp và tiến tới nguyên tắc thị trường, chúng ta phải đảm bảo giá của xăng dầu phù hợp với nguyên tắc thị trường, cùng với đó sử dụng các nguyên tắc bình ổn giá khác, như về cung cầu, về thuế để ổn định giá xăng dầu là mặt hàng chiến lược.
Quan điểm của Bộ Tài chính đưa ra khiến dư luận rất quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau. Bởi Quỹ hoạt động theo nguyên tắc “lấy nó nuôi nó”. Khi giá xăng dầu ở mức thấp, người mua trả thêm một khoản nộp vào quỹ, sau đó dùng tiền này để bù vào khi giá tăng cao. Vì là “lấy nó nuôi nó” nên tiền thu vào quỹ là của dân, doanh nghiệp xăng dầu chỉ thu và giữ hộ, cơ quan điều hành giá sẽ điều tiết quỹ để can thiệp nhằm giữ giá xăng dầu không tăng sốc, giảm sâu.
Trong khi đó, với Quỹ bình ổn giá xăng dầu Nhà nước không phải chi tiền nhưng vẫn điều tiết và giữ giá xăng dầu biến động theo đồ thị hình răng cưa thay vì “lên đỉnh, xuống vực” gây sốc cho người tiêu dùng và nền kinh tế.
Đánh giá về những tác động của việc bỏ quỹ để giá vận hành theo cơ chế “tăng, giảm” theo biến động của thị trường, Hiệp hội Xăng dầu cho rằng, nếu thả lỏng giá thì cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm soát giá chặt chẽ, tạo nguồn cung chủ động ngăn chặn doanh nghiệp bắt tay nhau câu kết, làm giá để trục lợi, gây bất ổn thị trường. Đại diện Hiệp hội Xăng dầu nhấn mạnh: Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong suốt thời gian qua đã tỏ rõ vai trò, tác dụng của việc kiềm chế giá xăng dầu, để không tăng nóng. Những thời điểm giá xăng tăng biến động như vậy quỹ phải trích tiền ra để bù vào thiếu hụt, nếu không thị trường sẽ biến động tiêu cực ngay.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã có 12 lần tăng và 3 lần giảm giá. Đối với xăng RON 95, cơ quan điều hành đã có 6 lần chi và 9 lần trích quỹ bình ổn, trong đó, mức chi cao nhất là 1.000 đồng/lít vào kỳ điều hành ngày 11/3 và mức trích cao nhất nữa là 650 đồng/lít vào kỳ điều hành ngày 12/4.
Trong 12 kỳ tăng giá từ đầu năm đến nay, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phải liên tục ngừng trích và tăng chi sử dụng quỹ để “hãm” đà tăng giá xăng dầu. Theo số liệu của cơ quan quản lý, trong quý đầu năm nay, số tiền các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trích lập vào quỹ là gần 602 tỷ, tuy nhiên, số tiền quỹ phải chi ra để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường lên tới 1.671 tỷ đồng.
Quỹ như “hồ điều hòa”, “van” điều tiết
Mặc dù Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã có nhiều tác dụng trong việc “kiềm chế” tăng giá sốc, tránh gây tâm lý hoang mang cho người dân. Song hiện cũng có một số ý kiến cho rằng, Quỹ đã không còn phù hợp và phải loại bỏ khi có những vướng mắc về cơ chế quản lý do Quỹ thuộc doanh nghiệp quản lý, nằm ở tài khoản doanh nghiệp.
Tuy nhiên,có thể thấy Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ kiểm soát giá, là cần thiết từ giác độ quản lý về vĩ mô của Nhà nước. Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, rất khó để bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. “Thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế và bản thân tôi cũng muốn bỏ quỹ này tuy nhiên hiện nay chưa phải lúc. Bởi nếu muốn bỏ Quỹ bình ổn mặt hàng xăng dầu cơ quan quản lý phải có một cơ chế khác để điều chỉnh. Muốn giá xăng dầu vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường thực sự là một vấn đề lớn” - tiến sĩ Thịnh cho biết.
Tiến sĩ Thịnh cho biết hiện nay, giá xăng dầu vẫn do Nhà nước điều chỉnh và coi đây là mặt hàng chiến lược để định giá. Ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, giá xăng dầu lên xuống hàng ngày theo biến động thị trường và Nhà nước có kho dự trữ rất lớn, muốn tác động giá sẽ xả các kho này. Còn ở Việt Nam, kho dự trữ xăng dầu quốc gia rất mỏng và vẫn gộp chung với kho dự trữ của các doanh nghiệp đầu mối.
Đồng thời, tiến sĩ Thịnh còn cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng chỉ có tác dụng giảm đà tăng sốc của giá xăng dầu. “Vấn đề quan trọng là làm sao thực hiện đúng các quy định nhà nước về việc trích lập cũng như xử lý quỹ bình ổn này. Khoảng 2-3 năm gần đây, công tác sử dụng quỹ này đã được liên bộ công khai, minh bạch và cơ chế trích, xả quỹ tương đối rõ ràng”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: "Theo cơ chế thị trường, biến động theo giá thế giới người ta có những giải pháp khác để bình ổn chẳng hạn như dự trữ nguồn cung nên chúng ta cũng cần phải cân nhắc có nên bỏ hay không. Và nếu bỏ để theo cơ chế thị trường thì phải có giải pháp gì đó như hỗ trợ an sinh để cho yên lòng dân hay không”.
Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - ông Tô Hoài Nam cho rằng: Khi một nền kinh tế theo cơ chế thị trường thì việc xóa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu là việc tất yếu. Trên thực tế, ở Việt Nam trước đây đã có nhiều ý kiến đề xuất xem xét xóa bỏ quỹ này. Tuy nhiên, với cơ chế điều hành thị trường xăng dầu của Việt Nam ở thời điểm này thì việc xóa bỏ Quỹ bình ổn giá cần phải cân nhắc kỹ. Thực tế xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên Nhà nước muốn quản lý xăng dầu thì phải có công cụ để điều khiển, can thiệp trong trường hợp giá tăng sốc, hỗ trợ điều hành giá tốt hơn.
Trước mắt để bình ổn giá xăng dầu, tránh bị “leo thang”, Bộ Công Thương đã đề xuất giảm thuế, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này để giảm giá xăng dầu. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cho rằng biện pháp quan trọng nhất không phải giảm giá xăng dầu mà là giảm tác động của việc giá xăng dầu tăng, chính là tăng cương an sinh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, để tháo gỡ những khó khăn về nguồn dự trữ xăng dầu quốc, giúp bình ổn giá và đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong Kỳ họp tháng 6 vừa qua và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án nâng mức dự trữ quốc gia và trình Chính phủ đề án này.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, trước mắt, cần phải xem xét lại việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững trước khi đề xuất bãi bỏ.