Hoàn thành sắp xếp doanh nghiệp nhà nước vào năm 2025 Tạo chính sách để doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững Hướng dẫn bán cổ phần lần đầu khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước |
Theo Đề án này, 4 tiêu chí lựa chọn ngành, lĩnh vực nghiên cứu thí điểm là: Có tính chất mở đường, dẫn dắt; hướng tới làm chủ công nghệ số; có vai trò cần thiết trong phát triển, định hướng công nghiệp; cần thiết duy trì sự hiện diện của Nhà nước.
Ảnh: MPI |
Về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp, lựa chọn các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, đạt yêu cầu về quy mô xét trên tiêu chí tổng tài sản (dự kiến trên 20.000 tỷ đồng) hoặc có kết quả tài chính ổn định (ROE cao hơn mức 6%), có khả năng mở rộng, chi phối thị trường hoặc/và tăng được thị phần (mức chiếm thị phần từ 30% trở lên) và cần đảm bảo các quy định pháp luật hiện hành về cạnh tranh. Đồng thời, có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và mở rộng sang thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt trên cơ sở áp dụng các Nguyên tắc quản trị doanh nghiệp nhà nước của OECD; có năng lực hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ cao, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế…
Tại cuộc họp về Đề án phát triển DNNN quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế Nhà nước đa sở hữu ngày 10/3, ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các mục tiêu của Đề án là củng cố, phát triển một số DNNN đóng vai trò dẫn dắt, mở đường, kết nối được với khu vực doanh nghiệp tư nhân; làm chủ được công nghệ; hình thành các chuỗi đổi mới sáng tạo…
Dự thảo Đề án đề xuất các chính sách chung, với nguyên tắc phù hợp các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tuân thủ các cam kết quốc tế, không làm méo mó các quan hệ trên thị trường, tạo sự cạnh tranh, bình đẳng và tăng cường minh bạch, công khai của chính sách.
Theo đó, nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Nhà nước quản lý theo mục tiêu: giao quyền chủ động, tự quyết trong sản xuất kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp… Kiểm tra, giám sát theo hướng đánh giá hiệu quả hoạt động/đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án/hoạt động cụ thể.
Trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số.
Về cơ chế riêng với các lĩnh vực, Đề án đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển dịch vụ số, nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển công nghệ cho Viettel; ban hành cơ chế hỗ trợ việc kết nối các cụm cảng; với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nghiên cứu hoạt động ngân hàng đầu tư, hình thành quỹ đầu tư trong đó có đầu tư mạo hiểm…
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu góp ý về các vấn đề như, các doanh nghiệp được đề xuất lựa chọn đã phù hợp chưa? Cơ chế chính sách như dự kiến đề xuất đã đủ mạnh chưa?...
Đồng thời cho rằng, vai trò của DNNN phải thực sự là những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa khu vực doanh nghiệp khác. Chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn là đúng đắn để DNNN tập trung vào những vấn đề mới, lớn, khó, còn lại để cho doanh nghiệp tư nhân làm. Đại hội XIII cũng đặt mục tiêu rất rõ tới các mốc năm 2025, 2030 và 2045, phải xây dựng được một nền kinh tế có tính tự chủ cao hơn, sức chống chịu tốt hơn. "Muốn vậy, phải phát triển, làm chủ được công nghệ” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Hiện DNNN số lượng không lớn, chỉ chiếm khoảng 0,07% số doanh nghiệp cả nước, nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường và 30% GDP, chưa kể tới đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh…