Thưa ông, sau 8 năm triển khai Chương trình 712 về nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, công tác xây dựng TC, QC của Việt Nam đã đạt được những kết quả như thế nào?
Hiện nay các tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn chưa thực sự trở thành nhu cầu nội sinh của doanh nghiệp |
Với mục tiêu trọng tâm của Chương trình 712 là hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước đối với hoạt động xây dựng và áp dụng TC, QC kỹ thuật; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) theo hướng ưu tiên các sản phẩm hàng hóa chủ lực trong nước và xuất khẩu, đẩy mạnh hài hòa tiêu chuẩn quốc tế/khu vực; tăng cường xã hội hóa hoạt động xây dựng và áp dụng TC, tạo bước tiến rõ rệt về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm, doanh nghiệp và cả nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập. Đến nay, với sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành, địa phương, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia có khoảng 10.500 TCVN, mức độ hài hòa TC quốc tế, khu vực đạt 54% (mục tiêu đến năm 2020 là 60%).
Hệ thống TCVN cũng thường xuyên được điều chỉnh và sửa đổi, soát xét và xây dựng mới nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại phù hợp với thông lệ của quốc tế. Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, kinh doanh và thương mại đối với các nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực.
Ông Nguyễn Hoàng Linh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng |
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 78/2018/NĐ-CP hướng dẫn triển khai Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) tạo hành lang pháp lý mới phù hợp với các cam kết (FTA) thế hệ mới, thúc đẩy xây dựng TCVN, QCVN phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và sự tham gia của doanh nghiệp…
Vậy vai trò của các TC, QC này đối với các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào thưa ông?
Có thể khẳng định hệ thống TC, QC quốc gia trong thời gian qua đã đáp ứng kịp thời tiến độ, lộ trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thức về việc sử dụng TC của một số doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh không nắm chắc được các TC chất lượng, các TC quản lý của Việt Nam và thế giới liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; không nắm được lợi ích có được khi áp dụng TC.
Có tâm lý từ phía doanh nghiệp, xã hội cho rằng việc xây dựng TC kỹ thuật là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, việc xã hội hóa hoạt động xây dựng TC chưa được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua.
Thêm vào đó, đa phần doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm trên 90%), với công nghệ hạn chế, nguồn lực hạn hẹp, khả năng tiếp cận thì trường quốc tế chưa cao, dẫn đến chính sách của doanh nghiệp chưa nhìn nhận đúng về tầm quan trọng của hệ thống TC. Trừ khi có sức ép bên ngoài từ quản lý nhà nước, thị trường và từ đối tác…
Để các TC, QC mang lại hiệu quả thiết thực với các doanh nghiệp và tương thích với hệ thống TC,QC thế giới, theo ông, chúng ta cần phải có những bước đi như thế nào?
Chúng ta phải tiếp tục tham gia sâu rộng vào các hệ thống thương mại quốc tế, khi tham gia sâu vào các FTA mới sẽ buộc chúng ta phải điều chỉnh thể chế, TC hóa mạnh mẽ hơn để có thể tiếp cận thực chất, hưởng lợi từ các định chế thương mại quốc tế và toàn cầu. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xây dựng TC; khuyến khích sự tham gia tích cực của hiệp hội, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng TC quốc gia; tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp trong công tác xây dựng, áp dụng TC, QCKT; chú trọng hoàn thiện hệ thống TCVN cho các sản phẩm là thế mạnh xuất khẩu theo hướng ưu tiên hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu như ISO, IEC, ITU, Codex, AOAC…
Xin cảm ơn ông!