Bộ Công Thương nỗ lực thúc đẩy EU gỡ bỏ biện pháp kiểm soát Etylen oxit với mỳ ăn liền xuất khẩu |
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi tới Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị có ý kiến để tháo gỡ khó khăn trước việc sản phẩm mì ăn liền bị kiểm soát dư lượng ethylene oxide (EO).
Cụ thể, ngày 28/10/2022 Bộ Công Thương có Văn bản số 6768/BCT-KHCN về chuẩn bị nội dung phiên họp Ủy ban SPS/WTO lần thứ 84 gửi đến Văn phòng SPS Việt Nam để trả lời đề nghị của Văn phòng SPS Việt Nam tại Công văn số 565/SPS-BNNVN ngày 14//10/2022.
Theo đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với dầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hoá theo yêu cầu của Hiệp định Về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của WTO tại Việt Nam là Văn phòng SPS Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thực hiện nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp các nội dung và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; đồng thời phối hợp trong công tác yêu cầu các nước thành viên của WTO cung cấp thông tin về các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, về thanh tra, kiểm tra và các vấn đề liên quan khác về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.
Bộ Công Thương cũng luôn tích cực phối hợp với các Bộ ngành và chủ động tham gia các hội nghị, hội thảo, các phiên họp chính thức và không chính thức về minh bạch hóa do Ủy ban SPS/ WTO tổ chức.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục triển khai thông báo các dự thảo và quy định hàng tháng về SPS của các nước thành viên WTO tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng và tiếp nhận phản hồi, giải đáp, hướng dẫn đối với các nội dung có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Kể từ tháng 2/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam vào diện áp dụng quy định Regulation (EU) 2019/1793 để kiểm soát dư lượng ethylene oxide. Cho tới nay, qua hơn 8 tháng triển khai quy định trên, việc cấp chứng nhận cho từng lô hàng mì ăn liền xuất khẩu vào EU đã và đang tạo gánh nặng đáng kể về hành chính và chi phí thương mại đối với Việt Nam.
Đề nghị có ý kiến với EU để tháo gỡ khó khăn trước việc sản phẩm mì ăn liền bị kiểm soát dư lượng EO |
Vì vậy, Bộ Công Thương đã đề nghị tổ công tác của Văn phòng SPS Việt Nam trao đổi với cơ quan có liên quan, trong đó nêu những quan ngại về những khác biệt trong áp dụng quy định kiểm soát dư lượng ethylene oxide trong thực phẩm bởi các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đồng thời đề nghị EU cung cấp số liệu thống kê và đánh giá về việc kiểm soát dư lượng ethylene oxide trong mặt hàng mì ăn liền xuất xứ từ Việt Nam từ tháng 2/2022 đến nay, làm rõ cơ sở để áp dụng, duy trì cũng như giảm thiểu biện pháp kiểm tra và yêu cầu giấy chứng nhận dư lượng ethylene oxide, xây dựng kế hoạch từng bước dỡ bỏ các biện pháp này.