Chỉnh sửa, thu gọn 1 phương án đối với 6 nội dung
Báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến đa số trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung lớn của dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, thu gọn 1 phương án đối với 6 nội dung.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) |
Thứ nhất, quy định tại khoản 7 Điều 45 theo hướng cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức quy định tại khoản 1 Điều 177.
Thứ hai, không quy định tại Luật (Điều 65 và Điều 66) về các loại đất cụ thể cần xác định chỉ tiêu tại quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện mà địa phương xác định chỉ tiêu các loại đất đã được phân bổ tại quy hoạch sử dụng đất cấp trên và theo nhu cầu của từng cấp tại quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện. Giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Thứ ba, quy định tại khoản 3 Điều 139 về xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 01/7/2014.
Thứ tư, quy định tại khoản 3 Điều 154 về tiền thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm được ổn định cho chu kỳ 5 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất, tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo được tính căn cứ bảng giá đất năm đầu tiên của chu kỳ tiếp theo, trường hợp tiền thuê đất tăng so với chu kỳ trước thì tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh theo tỷ lệ do Chính phủ quy định nhưng không quá tổng chỉ số CPI của giai đoạn 5 năm trước đó.
Thứ năm, quy định tại Điều 191 những nội dung mang tính nguyên tắc về hoạt động lấn biển phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật, trong đó có nguyên tắc về nhà đầu tư có dự án đầu tư có hoạt động lấn biển đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì được giao khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển cùng với giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư. Giao Chính phủ quy định về dự án đầu tư có hoạt động lấn biển, các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có hoạt động lấn biển, chi phí lấn biển...
Thứ sáu, chỉnh sửa Điều 14, Điều 49 và Điều 254, quy định theo hướng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ xem xét, quyết định trong trường hợp giải quyết việc chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính dẫn đến việc nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về 14 nội dung còn 2 phương án. Đồng thời, về nội dung cần có thông tin làm rõ, đó là về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (khoản 1 Điều 202).
Chất lượng của dự án Luật phải được đặt lên hàng đầu
Về phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Vũ Hồng Thanh cho hay, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường ngày 3/11/2023, các quy định tại dự thảo Luật đã được tiếp tục hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, ý kiến đại biểu Quốc hội về nhiều nội dung chính sách lớn có nhiều ý kiến hoặc cách thiết kế chính sách khác nhau còn chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất về nhiều vấn đề phức tạp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Tổng hợp ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường cho thấy, có 5/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 6; trong khi đó, 6/22 ý kiến nhận định rõ tính chất cần thiết sớm thông qua dự thảo Luật nhưng phải bảo đảm chất lượng, 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật một cách thấu đáo nhất, cân nhắc cẩn trọng việc thông qua dự án Luật khi còn quá nhiều ý kiến khác trong trong dự thảo Luật, vì vậy, đề nghị chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp này.
Việc thông qua dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy có hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Mặc dù vậy, quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo Luật còn cần thêm thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án Luật.
"Với vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai, chất lượng của dự án Luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp Luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân" - ông Vũ Hồng Thanh nói.
Các dự thảo Nghị định và văn bản hướng dẫn Luật cũng cần thêm thời gian để hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành, nhất là một số nội dung mới về giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất... cần có quy định chi tiết để chính sách của Luật đi vào cuộc sống.
Nội dung này đã được báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến, ưu tiên chất lượng của dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua. "Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp 6 (dự kiến vào ngày 29/11/2023)" - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với các cơ quan tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực nghiên cứu, hoàn thiện Báo cáo và dự thảo Luật để báo cáo Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến theo Chương trình kỳ họp thứ 6, làm cơ sở tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật.
Sau kỳ họp thứ 6, sẽ báo cáo một số nội dung của dự thảo Luật xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền để có định hướng tiếp tục hoàn thiện các nội dung chính sách lớn, phức tạp cũng như tổng thể dự thảo Luật, đề nghị Chính phủ cho ý kiến chính thức về dự thảo Luật sau khi được hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và gửi Ủy ban Pháp luật thực hiện rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật theo quy định, bảo đảm chất lượng trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.