Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa công bố bản kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị liên quan, với nhiều kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử tố tụng ở Việt Nam từ trước đến nay. Có đến 86 bị can bị đề nghị truy tố 7 tội danh: Tham ô tài sản; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra, thông qua Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan đã huy động từ nhiều nguồn khác nhau sau đó “rút ruột” số tiền cực kỳ lớn - khoảng 1.066.000 tỷ đồng. Thủ đoạn của bà Trương Mỹ Lan là nhờ nhiều người thân tín đứng tên sở hữu cổ phần để thâu tóm, thao túng, sử dụng ngân hàng để huy động tiền; thành lập hơn 1.000 doanh nghiệp lớn nhỏ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước để thiết lập "ma trận" các pháp nhân.
Các tài khoản ký khống đều thực hiện rút tiền tại SCB trước khi hợp đồng tín dụng, thủ tục thế chấp tài sản được hoàn thiện hoặc chuyển tiền lòng vòng, rút tiền mặt, cắt đứt dòng tiền để che dấu cơ quan chức năng phát hiện sai phạm; bán nợ xấu làm đẹp hồ sơ…
Bà Trương Mỹ Lan lúc chưa bị bắt |
"Hà hơi tiếp sức" cho bà Trương Mỹ Lan là 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước, 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB cùng một số cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước. Ngay từ năm 2017, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trong hoạt động của SCB, Ngân hàng nhà nước đã thành lập các Đoàn thanh - kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động của ngân hàng này.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, các thuộc cấp của bà Lan đã dùng số tiền đặc biệt lớn để hối lộ đoàn liên ngành. Trong số những người nhận hối lộ, bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước là người nhận nhiều nhất. Cũng theo kết quả điều tra, bà Nhàn đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỷ đồng) sau đó "làm đẹp" hồ sơ, bao che cho những sai phạm của Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB.
Ngày 22/11/2023, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã họp phiên 24 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vụ Vạn Thịnh Phát một lần nữa được “gọi tên” và sẽ là một trong 10 vụ án, vụ việc kết thúc xác minh, xử lý ngay trong năm 2023. “Bà trùm” Trương Mỹ Lan cùng đồng bọn rồi đây sẽ phải hầu toà và trả giá cho hành vi phạm tội của mình, nhưng với số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng bị tham ô, thất thoát liệu có thu hồi hết; chưa kể những hệ luỵ đặc biệt lớn đối với tín dụng, nền kinh tế, đặc biệt là lòng tin của các nhà đầu tư?
Qua vụ án liên quan cái tên Vạn Thịnh Phát đã cho thấy, lỗ hổng rất lớn trong hoạt động ngân hàng. Chúng ta chưa có công cụ hữu hiệu nhằm ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả “sân sau”, sở hữu chéo tại các ngân hàng. Chính hệ thống pháp luật thiếu và chưa chặt chẽ nên dù không giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB, “bà trùm” Trương Mỹ Lan vẫn chi phối, lũng đoạn, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng này với vai trò là người nắm cổ phần chi phối từ 85% đến 91,5%.
Theo nhận định của các chuyên gia pháp lý, hệ thống pháp luật hiện hành, bao gồm Luật Các tổ chức tín dụng chưa giải quyết được vấn đề sở hữu chéo, nên cần thiết phải rà soát đồng bộ để thắt chặt, bịt kín các kẽ hở, siết chặt hơn các quy định về tỉ lệ sở hữu cổ phần, xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.
Nêu ý kiến về sở hữu chéo, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh, yêu cầu của Quốc hội không chỉ là xử lý, mà phải chấm dứt tình trạng sở hữu chéo ngân hàng.
“Cốt lõi của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang nằm ở vấn đề quản trị. Để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống ngân hàng, yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân, tổ chức nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Do đó, Luật cần phải xây dựng khung khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định cho hoạt động của ngân hàng”, ông An đề nghị.
Hệ thống pháp luật do chính con người xây dựng nên khó tránh được những tồn tại, hạn chế. Điều quan trọng phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, cán bộ kiểm tra, giám sát thực sự liêm chính, trong sạch.