Năm 2025: Việt Nam phấn đấu đón 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế Khách quốc tế đến Việt Nam tăng kỷ lục gần 40% Khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam phục hồi ấn tượng |
Lan toả hình ảnh điểm đến
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, việc miễn thị thực nhập cảnh với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh với mục đích du lịch cho công dân Ba Lan, Séc và Thụy Sỹ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP thực hiện từ ngày 1/3/2025 đến hết ngày 31/12/2025 để kích cầu phát triển du lịch.
![]() |
Ngành du lịch Việt Nam rộng mở cơ hội đón khách du lịch quốc tế tiềm năng. Ảnh: Indochine |
Theo đó, công dân 3 nước nói trên nhập cảnh Việt Nam cần đáp ứng: Điều kiện nhập cảnh theo diện miễn thị thực đơn phương theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, hộ chiếu còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng và du lịch theo chương trình của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức, có giấy xác nhận tham gia chương trình du lịch. Doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cần gửi đăng ký tham gia tổ chức chương trình du lịch cho công dân 3 nước trên về Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á cho rằng, quyết định miễn thị thực cho công dân 3 nước châu Âu là một bước đi tích cực của Chính phủ Việt Nam trong việc thu hút khách du lịch quốc tế. Đây là động thái cho thấy sự mở cửa và sẵn sàng chào đón du khách quốc tế, đặc biệt là từ các nước châu Âu có tiềm năng du lịch cao, chi tiêu cao.
Đồng thời, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, chính sách visa nới lỏng sẽ góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam là một điểm đến thân thiện và dễ tiếp cận, nhất là trong bối cảnh các quốc gia này đã dần quen thuộc với văn hóa và thiên nhiên Việt Nam qua các chiến dịch quảng bá trước đây.
Thị trường khách du lịch Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ luôn có mức chi tiêu cao khi du lịch, ưu tiên quan tâm đến các trải nghiệm dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng cao, trải nghiệm văn hóa độc đáo. Đặc biệt, trong đó có nhiều doanh nhân kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư trong thời gian tới.
Chia sẻ với Báo Công Thương, ông Nguyễn Tiến Đạt – CEO AZA Travel cho rằng, với bước phát triển ấn tượng về chất lượng dịch vụ hiện nay, ngành du lịch Việt Nam tự tin đón, phục vụ thị trường khách nhà giàu từ châu Âu. “Đây là cơ hội để ngành du lịch cải thiện tăng trưởng doanh thu, chứ không thể chỉ phấn đấu đặt mục tiêu tăng trưởng về số lượng khách đến”- ông Đạt bày tỏ.
Ông Phạm Hà – CEO Lux Group cũng cho rằng, việc đón khách nhà giàu châu Âu sẽ có ảnh hưởng và tạo sức lan toả điểm đến rất lớn. “Tuy nhiên, yêu cầu của dòng khách nhà giàu, chi tiêu cao luôn gắt gao, điều này đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp cũng như các địa phương, điểm đến”- ông Hà chia sẻ.
Thông qua các chính sách ưu đãi
Để đón đầu cơ hội khi cánh cửa thị thực nới lỏng, ngành du lịch được khuyến nghị cần tăng cường quảng bá thông tin để khách ở 3 thị trường này biết, nắm bắt, lên kế hoạch cho chuyến đi. Đặc biệt, phải tăng tốc thiết kế, xây dựng những gói sản phẩm đặc biệt dành cho thị trường.
Về vấn đề này, ông Phạm Hải Quỳnh cho hay, ngành du lịch cần tạo ra các gói ưu đãi cho nhóm khách du lịch từ những nước được miễn thị thực, chẳng hạn như giảm giá dịch vụ hoặc tour du lịch. Tập trung phát triển các loại hình du lịch bền vững, như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, sẽ thu hút thêm nhiều du khách quan tâm đến bảo vệ môi trường.
Từ góc độ doanh nghiệp chuyên đón dòng khách cao cấp, theo ông Phạm Hà, doanh nghiệp, điểm đến phải đầu tư tập trung xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mang lại trải nghiệm riêng biệt, mang tính chuyên sâu như dòng sản phẩm khám phá di sản văn hoá. "Với Lux Group, đơn vị định hướng triển khai dòng sản phẩm cao cấp, phục vụ thị trường xa xỉ, vì vậy, chúng tôi đã sẵn sàng để khai thác, đón các đoàn khách từ các quốc gia được miễn thị thực"- ông Hà chia sẻ.
Chiều nay, trước thềm chính sách miễn thị thực cho công dân 3 nước EU có hiệu lực, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã thông tin về công bố Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025 cho công dân 3 nước EU; nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế thông qua các chính sách ưu đãi, thủ tục nhập cảnh thuận tiện và giá trị trải nghiệm du lịch độc đáo.
Theo đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức nhiều hoạt động đáng chú ý như: Chương trình giới thiệu điểm đến du lịch Việt Nam tại thị trường Ba Lan, Séc và Thụy Sỹ gắn với Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025; Tổ chức Tuần Văn hoá - Du lịch Việt Nam tại Ba Lan, Séc nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập ngoại giao; truyền thông Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025…
Ngoài ra, để thực hiện kế hoạch của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, hoàn thành chỉ tiêu khách du lịch quốc tế đạt 22-23 triệu lượt khách; khách du lịch nội địa đạt 120-130 triệu lượt khách, Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch cho biết, Chương trình kích cầu du lịch năm 2025 sẽ có nhiều ưu đãi về giá cả, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các đơn vị liên quan cũng sẽ tổ chức chương trình phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; các địa phương chủ động xây dựng và bán các gói sản phẩm liên kết: Du lịch văn hoá, di sản; du lịch ẩm thực, du lịch gofl, du lịch sinh thái… nhằm tạo sự đa dạng về sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ...
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội: Nới lỏng chính sách visa sẽ tạo ra cú huých tích cực cho ngành du lịch, nhất là trong bối cảnh ngành này đang hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch. Điều này không chỉ giúp tăng trưởng lượng khách quốc tế mà còn kéo theo sự phát triển của các ngành liên quan như hàng không, khách sạn, nhà hàng, và dịch vụ địa phương. Hơn nữa, việc gia tăng số lượng khách du lịch từ các thị trường mới, tiềm năng còn giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, hay Nhật Bản, từ đó đa dạng hóa nguồn thu. |