Tạo ra lợi nhuận trên mức trung bình cao gấp 19 lần
Cũng như đất đai và lao động trong kỷ nguyên nông nghiệp; công nghệ và vốn trong kỷ nguyên công nghiệp; dữ liệu - một loại tài nguyên, tài sản, “đất đai của không gian mới”, đang ngày càng trở thành nhân tố sản xuất quan trọng nhất trong kỷ nguyên số, tạo ra sự bứt phá tăng trưởng kinh tế số. Theo các chuyên gia, dữ liệu là “dầu mỏ”, nguyên liệu cho nền kinh tế số...
Dữ liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng để đảm bảo thành công trong hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp |
Đặc biệt, dữ liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng để đảm bảo thành công trong hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp, nhằm đối mặt và vượt qua những thách thức và biến động của nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Các hoạt động phân tích dữ liệu có vai trò cung cấp thông tin quan trọng để nâng cao năng suất công việc, tối ưu chi phí, đánh giá hiệu quả kinh doanh sát sao và cải thiện trải nghiệm khách hàng hiệu quả…
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đoàn Huy Thuận, Tổng giám đốc FSI - đơn vị triển khai các dự án chuyển đổi số về dữ liệu cho biết, năm 2024, dữ liệu tăng trưởng theo cấp số nhân, biến mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu (data driven business) trở thành yếu tố quyết định thành công.
Theo McKinsey, các doanh nghiệp có năng lực phân tích và sử dụng dữ liệu hiệu quả có thể thu hút khách hàng mới cao gấp 23 lần, tăng mức độ trung thành của khách hàng gấp 9 lần, tạo ra lợi nhuận trên mức trung bình cao gấp 19 lần.
Data driven (quá trình hoạch định dựa trên việc thu thập và phân tích dữ liệu) giúp doanh nghiệp giám sát chặt chẽ, cải tiến nhanh chóng hoạt động kinh doanh, quy trình vận hành thông qua thu thập, phân tích dữ liệu theo thời gian thực. Nhờ những kiến giải từ dữ liệu thực tế, ban lãnh đạo có thể đưa ra quyết định sáng suốt, hiệu quả hơn, gia tăng khả năng cạnh tranh.
“Trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, dữ liệu không chỉ là kho tàng thông tin mà còn được ví như “bệ phóng” giúp doanh nghiệp bứt phá. Tuy nhiên, nếu không được khai thác hiệu quả, dữ liệu có thể trở thành “đầm lầy” kìm hãm sự phát triển” - ông Đoàn Huy Thuận nhấn mạnh.
Ông Đoàn Huy Thuận dẫn chứng, dù nhận thức được lợi thế của mô hình data driven, theo báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có khoảng 870 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, với hơn 97% doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa. Trong đó, chỉ 2,2% doanh nghiệp Việt có khả năng làm chủ công nghệ phân tích dữ liệu, áp dụng hiệu quả vào kinh doanh.
Số ít các doanh nghiệp này thường tập trung vào các công ty, tập đoàn đã có sự “trưởng thành” cả về nhân sự, công nghệ, văn hóa khai thác dữ liệu. Còn lại, đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước hoặc chưa biết bắt đầu từ đâu, hoặc đã hoàn tất tạo lập, thu thập một lượng lớn dữ liệu nhưng chưa tìm được phương án để khai thác hiệu quả, làm cho dữ liệu trở nên “sạch - sống”, tạo ra giá trị thực.
3 yếu tố then chốt cho mô hình data driven hiệu quả
Ông Đoàn Huy Thuận nêu 3 yếu tố cốt lõi đóng vai trò then chốt cho thành công của mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu là con người, lộ trình dữ liệu và công cụ.
Chỉ 2,2% doanh nghiệp Việt có khả năng làm chủ công nghệ phân tích dữ liệu |
Phân tích các yếu tố này, ông Thuận cho rằng, yếu tố con người đóng vai trò then chốt trong việc quyết định thành bại của mô hình data driven. Doanh nghiệp cần tập trung đầu tư vào xây dựng đội ngũ nhân sự có kỹ năng về dữ liệu để khai thác hiệu quả tiềm năng “vàng” ẩn chứa trong dữ liệu.
Từ nâng cao tư duy phân tích và quản trị dữ liệu cho mọi cấp độ nhân sự: Đào tạo bài bản về các khái niệm, kỹ thuật phân tích và quản trị dữ liệu, khuyến khích tư duy “dựa trên dữ liệu” trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Xa hơn, doanh nghiệp có thể tham vấn, hợp tác cùng các chuyên gia đầu ngành về dữ liệu để khai thác hiệu quả, tạo ra lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.
Việc thiếu lộ trình rõ ràng có thể dẫn đến việc thu thập và lưu trữ dữ liệu không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp và dễ sa vào “đầm lầy dữ liệu”. Ngược lại, khi có lộ trình bài bản, doanh nghiệp dễ dàng xác định mục tiêu, lựa chọn công cụ phù hợp và ứng dụng dữ liệu hiệu quả để tạo ra giá trị.
Tuy nhiên, việc xây dựng lộ trình dữ liệu là một bài toán khó, do đó, doanh nghiệp nên có sự tham khảo và đồng hành cùng đơn vị có năng lực tư vấn tổng thể, am hiểu đặc thù doanh nghiệp địa phương và chuyên môn cao trong lĩnh vực xử lý dữ liệu.
Sau cùng, khi yếu tố con người và định hướng tổng thể đã có, doanh nghiệp cần lựa chọn các công cụ quản lý và khai thác dữ liệu có khả năng mở rộng theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp cũng như sử dụng dễ dàng, thuận tiện.
“Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi đầu tư quá nhiều công nghệ từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, dẫn đến hệ thống dữ liệu rời rạc, thiếu liên thông và khó khai thác. Điều này cản trở việc ra quyết định dựa trên dữ liệu và kìm hãm hiệu quả kinh doanh” - ông Thuận nêu.
Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt “ra quyết định dựa trên dữ liệu hiệu quả”, chúng tôi đã và đang không ngừng mở rộng hợp tác cùng các đối tác hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tiến tới bổ sung, hoàn thiện hệ sinh thái, từ đó, đem tới các giải pháp tổng thể đảm bảo chất lượng cao, chi phí linh hoạt và nhanh chóng đem lại giá trị thực tế cho doanh nghiệp.
Tại Quyết định số 142/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 được ban hành mới đây khẳng định, dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân. |