Tại Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh diễn ra sáng ngày 11/3, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho biết, trong lịch sử hơn 60 năm chưa bao giờ ngành du lịch Việt Nam lại chịu thiệt hại nặng nề như cuộc khủng hoảng lần này do đại dịch Covid-19 gây ra.
Đến nay, số doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép (hiện chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành trên toàn quốc), trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động do không có khách du lịch. Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch (chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam) cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly.
Ngành du lịch vẫn còn nhiều thách thức trước thời điểm mở cửa toàn bộ hoạt động |
Sau hai năm chống chọi với đại dịch, hiện nhiều quốc gia đã dần điều chỉnh quan điểm chống dịch nhằm tái khởi động, sớm đưa cuộc sống quay trở lại bình thường trong bối cảnh mới. Các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan… cho phép đón khách du lịch quốc tế, Liên minh châu Âu mở cửa cho đi lại nội khối và cho phép công dân các nước thứ ba nhập cảnh có các điều kiện.
Cùng với thế giới, trước bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát, Chính phủ đã đồng ý mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3. Ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định, đây sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới. Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - bà Trần Thị Lan Anh cũng cho hay, với vị trí, vai trò và tiềm năng, lợi thế, ngành du lịch đang đứng trước cơ hội "vàng" đón khách quốc tế.
Tuy nhiên, con đường dẫn tới sự phục hồi, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực được cho là mũi nhọn này. Trong đó, nhiều quy định về y tế, đón khách quốc tế vẫn còn chặt chẽ.
Theo Tổng cục Du lịch, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Thông báo kết luận số 43/TB-VPCP ngày 16/2/2022 về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022 với việc mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường không, đường bộ, đường biển, đường sắt đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Song, yêu cầu đảm bảo an toàn y tế cho khách nhập cảnh vẫn còn có một số ý kiến khác nhau của Bộ Y tế. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Lo ngại lỡ nhịp phục hồi của du lịch, bà Trần Thị Lan Anh chia sẻ, đối với doanh nghiệp, việc được quan tâm nhất lúc này là mở cửa như thế nào để vừa không làm du khách ngại ngần vì thêm các thủ tục, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, nhất là Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc trong năm nay. Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - Phó Giám đốc Ban tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel - cũng ý kiến, hiện các nước trong khu vực đều đang gấp rút để mở cửa nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong việc thu hút khách du lịch. Nếu Việt Nam tiếp tục thắt chặt sẽ khiến nước ta bỏ lỡ cơ hội vàng trong quá trình thúc đẩy phục hồi ngành du lịch và kinh kế nói chung.
Nhiều đề xuất tạo điều kiện cho du lịch phục hồi được đưa ra tại Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh |
Để tạo “luồng xanh” cho du lịch, lãnh đạo Tổng cục Du lịch đề xuất, về vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trong điều kiện bình thường mới hiện nay, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế đến, như chính sách đơn phương, song phương miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường nguồn tiềm năng của du lịch Việt Nam như thời điểm trước dịch Covid-19.
Cùng với đó, về vấn đề công nhận hộ chiếu vaccine, hiện nay, chưa có nhiều quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam cho nên hoạt động du lịch đưa người Việt Nam du lịch nước ngoài sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, ngành du lịch sẽ tiếp tục đề nghị ngành ngoại giao phối hợp với ngành y tế tăng cường đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ về việc chấp nhận Chứng nhận tiêm chủng Covid-19 của Việt Nam.
Đồng thời, ngành du lịch kiến nghị các chính sách hỗ trợ đang có cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên; làm sao để cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến sau hai năm bị tác động bởi đại dịch Covid-19 phải được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam.
Đề cập đến giải pháp mở cửa an toàn, hiệu quả, từ góc độ y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, hiện số ca mắc Covid-19 trong nước đã lan ra cả nước, với tỷ lệ mắc cao. Căn cứ thực tế hiện tại chúng ta không thể ngăn dịch mà chủ yếu giảm đà lây nhiễm. Vì vậy, chúng ta nới lỏng các quy định về y tế nhưng không buông lỏng và phải có dự phòng đồng bộ. Đối với du lịch, có đặc điểm phức tạp vì liên quan tới nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường khác nhau, do vậy, chính sách phòng bệnh đặc thù cũng cần áp dụng linh hoạt cho từng hoạt động trong lĩnh vực này.
Đồng thời, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, khi mở cửa quy định phòng bệnh phải đồng bộ, tránh mỗi địa phương làm một kiểu, gây khó khăn cho du khách. Bên cạnh đó, khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm. “Dĩ bất biến ứng vạn biến", tuỳ theo tình hình xử lý linh hoạt và nới lỏng nhưng vẫn dự phòng đồng bộ, bỏ các biện pháp cách ly nhưng vẫn phải đánh giá rủi ro. Mong rằng trên cơ sở khoa học và thực tiễn này để thống nhất cách làm thông thoáng hơn. Qua đó, chúng ta có thể mạnh dạn mở cửa du lịch từ ngày 15/3 tới đây”- PGS- TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Trên tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp chính phủ ngày 15/2 về mở cửa du lịch, trong đó có 3 điểm đồng ý chủ trương mở cửa hoàn toàn và nối lại miễn thị thực song phương, đơn phương với các quốc gia, bà Phan Thị Minh Giang - Trợ lý Cục trưởng, Trưởng phòng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao - nêu rõ, tất cả các lĩnh vực cần kết hợp chặt chẽ, không chỉ ở góc độ chính sách để đảm bảo du lịch phải an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh với mục đích cuối cùng là hoàn thành mục tiêu đảm bảo phòng chống dịch nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội mới để phục phồi, phát triển kinh tế, đặc biệt là khi du lịch có đóng góp một phần không nhỏ trong tiến trình này.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh: Du lịch Việt Nam hơn lúc nào hết cần được các Bộ ngành ủng hộ, các địa phương phối hợp cùng doanh nghiệp du lịch nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Bên cạnh du lịch nội địa, một lộ trình tái khởi động du lịch quốc tế sẽ góp phần sớm phục hồi cho ngành du lịch Việt Nam là vô cùng cần thiết. |