Trước nhiều luồng ý kiến xoay quanh nội dung cho phép các doanh nghiệp tự tính toán, công bố và quyết định giá bán lẻ xăng dầu tại hồ sơ phục vụ thẩm định Dự thảo Sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc cho doanh nghiệp tự tính toán và quyết định giá bán lẻ dựa trên chi phí cố định đã được nhà nước công bố là cần thiết và phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay.
“Bởi hiện Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đều đã cao hơn GDP, nên việc để doanh nghiệp phải tự chủ, tự quyết giá bán là cần thiết” – TS Lê Đăng Doanh khẳng định.
Doanh nghiệp có thể sẽ được tự quyết định giá bán xăng dầu (Ảnh: Thanh Tuấn) |
Tuy nhiên, cũng theo TS Lê Đăng Doanh, để Nghị định về kinh doanh xăng dầu thật sự đi vào cuộc sống và tạo tính bền vững, ổn định cho hoạt động kinh doanh xăng dầu, thì Bộ Công Thương cần tiếp tục xin ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về nội dung này. Bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và đóng vai trò quan trọng đối với đời sống cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc cho doanh nghiệp tự tính toán, công bố giá bán lẻ xăng dầu cũng gây ra những lo ngại sẽ mang lại lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp đầu mối, trong khi chưa quy định rõ quyền lợi của các khâu trong chuỗi cung ứng xăng dầu.
"Nên cân nhắc, tính toán kỹ để tránh tình trạng độc quyền, đồng thời cân bằng lợi ích giữa các doanh nghiệp xăng dầu trong chuỗi cung ứng, cũng như lợi ích giữa doanh nghiệp xăng dầu và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu" - TS Lê Đăng Doanh bày tỏ.
Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng theo đề xuất tại Dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương không đưa ra các quy định quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như tại các bản Dự thảo trước đây.
Theo đề xuất, số dư của Quỹ bình ổn xăng dầu thay vì để tại doanh nghiệp đầu mối như hiện nay sẽ xem xét chuyển về ngân sách và việc trích lập, chi Quỹ này sẽ được thực hiện theo Luật Giá 2023. Đồng thời, Quỹ Bình ổn sẽ không sử dụng thường xuyên, mà khi giá xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với các bộ ngành xây dựng biện pháp bình ổn gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương để thực hiện.
Dự thảo cũng đang đề xuất quy định, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chuyển, nộp số dư quỹ bình ổn vào ngân sách nhà nước.
Nhìn nhận về đề xuất này, một số ý kiến cho rằng, việc đưa Quỹ Bình ổn giá xăng dầu về một đầu mối sẽ giúp quản lý được tập trung và nếu thất thoát trách nhiệm sẽ được làm rõ. Tuy nhiên, dù cơ quan quản lý nhà nước nắm Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vẫn cần cơ chế giám sát để đảm bảo tính minh bạch, công khai, trách thất thoát và chiếm dụng tiền của người dân.
Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ Công an, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn nhiều sơ hở, bất cập để một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chiếm dụng, sử dụng sai mục đích; một số cơ quan chức năng và dư luận doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có ý kiến trái ngược về sự cần thiết duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Do vậy, Bộ Công an đề nghị, Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính đánh giá kỹ vai trò, tác dụng của Quỹ Bình ổn giá trong thực hiện mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước trước các biến động đột ngột về giá của thị trường xăng dầu thế giới; sự phù hợp quy định về Quỹ Bình ổn giá với quy định của pháp luật. Trong trường hợp tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá, Bộ Công Thương đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo Nghị định quy định chặt chẽ việc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ Bình ổn giá.
Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng đề nghị làm rõ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của Quỹ; phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Còn theo TS. Lê Đăng Doanh, đây là vấn đề phức tạp. Để quản lý quỹ hiệu quả, Bộ Tài chính cần lập hội đồng có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu mối, cơ quan liên quan để quyết định mức chi, trích lập trong những thời điểm giá thế giới biến động mạnh. Sử dụng Quỹ Bình ổn giá cần triển khai một cách hiệu quả, đúng như tên gọi bình ổn thị trường.
Theo số liệu được Bộ Tài chính công bố lần gần nhất, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện gần 6.700 tỷ đồng. Trong các kỳ điều hành từ đầu năm 2024 đến nay, liên bộ Tài chính - Công Thương không chi sử dụng quỹ, một số kỳ có thực hiện trích lập quỹ đối với một số mặt hàng dầu. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang được trích lập và sử dụng theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2021. Theo đó, quỹ này chỉ được sử dụng khi chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ trước liền kề kỳ điều hành tăng từ 7% trở lên. Khi giá giảm hơn 5%, quỹ được trích thêm, ngoài 300 đồng/lít như quy định. |