Tài khoản ảo, muốn tên nào có tên đó
Thời gian qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các tài khoản ngân hàng do mua, bán hoặc thuê để thực hiện giao dịch chuyển và nhận tiền của bị hại sau đó sẽ rút tiền bằng nhiều phương thức khác nhau. Điều này gây khó khăn cho quá trình điều tra của cơ quan chức năng.
Trong khi đó, trên các trang mạng xã hội, hoạt động cho thuê, mua bán tài khoản ngân hàng vẫn diễn ra sôi động, tràn lan.
Để hiểu rõ việc mua bán tài khoản ngân hàng trên, phóng viên tham gia vào nhóm Facebook “KYC Ngân hàng - Mua bán tài khoản ngân hàng” với hơn 50 nghìn thành viên. Trong nhóm là hàng loạt các bài viết rao bán tài khoản ngân hàng, nhận làm tài khoản ngân hàng ảo theo yêu cầu.
Các bài đăng như thế này, xuất hiện dày đặc trong các hội nhóm mua, bán, thuê tài khoản ngân hàng (Ảnh chụp màn hình) |
Trong vai người có nhu cầu, liên hệ qua messenger với tài khoản Facebook Pham Tuan Tu, chỉ ít phút, phóng viên được người này cung cấp một đường link tới ứng dụng Telegram để tiện cho việc trao đổi thông tin.
Theo thông tin từ tài khoản này cung cấp, để có thể mua tài khoản ngân hàng online với thông tin ảo, không chính chủ của nhiều ngân hàng thì số tiền bỏ ra chỉ từ 450 nghìn đồng/tài khoản. Thủ tục đăng ký nhanh gọn, không cần xác minh căn cước công dân, thông tin cá nhân; chỉ cần có sim điện thoại để đăng ký là được. Điều đáng nói, cần tên gì có tên đó và giới hạn ở một số ngân hàng nhất định.
“Việc mở tài khoản ngân hàng theo tên hiện chỉ còn một số ngân hàng có thể làm được vì nhiều ngân hàng khác hiện nay phải thực hiện sinh trắc học nên cần nhận diện người dùng qua khuôn mặt” - tài khoản Pham Tuan Tu cho hay.
Ngoài ra, người này còn cung cấp dịch vụ làm số tài khoản cho doanh nghiệp. Theo đó mức giá phải bỏ ra để có được một số tài khoản của một doanh nghiệp bất kỳ, với tên trùng khớp là từ 17,8 triệu đồng. Đổi lại, người mua tài khoản sẽ có được giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp đó, giấy photo căn cước công dân 2 mặt có dấu đỏ. Nếu thực sự có nhu cầu và cọc trước một khoản tiền, người này sẽ nhận làm và giao thẻ ngân hàng trực tiếp.
Ở một trường hợp khác, tài khoản Facebook tên Khuc Hue giới thiệu với phóng viên dịch vụ mở tài khoản bank quầy (mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng). Đây là dịch vụ mở tài khoản chính chủ với hình thức full lãi suất (loại tài khoản có thể nhận được lãi suất tối đa từ số tiền gửi) và hạn mức cao nên có giá 1,5 triệu đồng/tài khoản (bao gồm cả sim, thẻ ngân hàng và ứng dụng banking). Việc mở tài khoản ngân hàng hoàn toàn bằng thông tin và tên của người bán, người mua chỉ cần ở nhà là có người giao tới, kiểm tra xong mới thanh toán.
Còn tài khoản Facebook Binh Kim thì cho biết, có thể đáp ứng được yêu cầu mở tài khoản với số lượng 50 tài khoản, mở càng nhiều giá càng giảm. Chi phí để mở tài khoản ngân hàng là 1,6 triệu đồng/tài khoản với hạn mức được phép thanh toán là 100 triệu đồng/tháng, không quá 20 triệu đồng/ngày và không quá 10 triệu đồng/lần chuyển khoản.
Công cụ của tội phạm công nghệ cao
Thiếu tá Phí Văn Thanh – Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, hiện nay việc mua bán tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo là một vấn đề đáng báo động.
Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, cũng như triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn để bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra và ngày càng lan rộng.
Cho thuê, mua bán tài khoản ngân hàng có thể bị coi là đồng phạm lừa đảo và bị xử lý theo quy định của pháp luật (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, các đối tượng sử dụng hàng trăm hội nhóm ở trên không gian mạng, thông qua mạng xã hội như Facebook, Telegram, Zalo... rồi đăng tải công khai các thông tin mua bán tài khoản ngân hàng.
Với số tiền vài trăm nghìn đồng chúng có thể mua bán một tài khoản ngân hàng, bao gồm cả thẻ vật lý và sim điện thoại đăng ký cho dịch vụ Mobile Banking.
Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại lớn về mặt tài chính cho nạn nhân mà còn làm suy yếu niềm tin vào hệ thống tài chính và ngân hàng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm rửa tiền, đánh bạc và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự.
Cũng theo ông Thanh, để tạo các tài khoản giả, các đối tượng lợi dụng các giấy tờ tùy thân giả mạo, hoặc sử dụng các thông tin cá nhân bị đánh cắp, các đối tượng lừa đảo có thể mở các tài khoản ngân hàng. Những tài khoản này sau đó được sử dụng với các mục đích là thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Còn trường hợp mở tài khoản theo tên mà người mua yêu cầu là sử dụng công nghệ cao, các đối tượng lừa đảo đánh cắp danh tính của một số người dùng. Mục đích của hành động này là thu thập các video quay trực tiếp lên khuôn mặt của các nạn nhân để phục vụ cho xác thực điện tử nhằm qua mặt hệ thống của các ngân hàng.
“Bằng thủ đoạn này, chúng có thể tạo tài khoản theo tên một người cụ thể. Qua đó, nạn nhân chẳng hề hay biết gì việc tạo tài khoản. Những tài khoản ngân hàng giả nhưng mà thật này sau đó được cung cấp cho phía người đã đặt mua để thực hiện theo đúng yêu cầu của bọn chúng”, ông Thanh cho biết thêm.
Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông (Ảnh: Nguyễn Ngọc) |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông cho rằng, những đối tượng đứng ra thuê, mua tài khoản ngân hàng thì phần lớn là các đối tượng có mục đích, hành vi vi phạm pháp luật.
“Ngay cả bản thân tôi cũng bị các đối tượng lừa đảo mạo danh với tư cách cá nhân hoặc với tư cách công ty luật. Họ nói có thể lấy được tiền treo hoặc tiền bị lừa trên mạng. Nhiều người nhẹ dạ cả tin, tra cứu trên mạng thì thấy đúng thông tin về tên, văn phòng luật sư của tôi, số tài khoản chuyển tiền cũng thể hiện tên công ty luật nên đã chuyển tiền cho các đối tượng này với mong muốn lấy lại được tiền nhưng họ lại vô tình vướng vào một hình thức lừa đảo khác”, Luật sư Huế chia sẻ.
Cũng theo Luật sư Huế, những đối tượng đi thuê, mua tài khoản ngân hàng thường sử dụng những tài khoản này để trốn thuế, tránh việc khai báo doanh thu với cơ quan kiểm tra; hoặc sử dụng vào việc rửa tiền, đánh bạc.
Ông Nguyễn Thanh Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần OneSecond Việt Nam cho biết, những đối tượng chủ mưu để thực hiện những việc này thường không sinh sống ở Việt Nam. Những người đứng ra thuê, mua tài khoản ngân hàng chỉ là người làm thuê cho các đối tượng chủ mưu này và được trả công. Trong trường hợp cơ quan chức năng bắt giữ được thì cũng chỉ xử lý được phần ngọn, còn rất nhiều các đối tượng trung gian lại không hiện diện ở Việt Nam.
Ngoài ra, các giao dịch thường được thực hiện thông qua mạng, qua công nghệ tài chính số, khi tiền được chuyển vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo thuê, mua thì chỉ 5 đến 10 phút sau sẽ được chuyển sang tài khoản khác hoặc chuyển sang mua tiền ảo, tiền kỹ thuật số nên cơ quan chức năng mất rất nhiều công sức để truy vết.
Không để bị lợi dụng, tránh vi phạm pháp luật
Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông cho biết, khoản 1, Điều 291 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Thu thập trái phép thông tin tài khoản ngân hàng với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 100-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Thu thập trái phép thông tin tài khoản ngân hàng với số lượng 200 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính trên 200 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm.
“Người có hành vi thu thập trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, hình phạt bổ sung cho người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc ít nhất từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, Luật sư Nguyễn Danh Huế cho hay.
Luật sư Huế cũng cho rằng, để Việt Nam không trở thành mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo thì phương kế bền vững nhất là nâng cao tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
“Gốc rễ của vấn đề này vẫn đến từ người tiêu dùng, người dân. Do đó, thay vì một số ngân hàng chăm chăm chạy doanh số mở được nhiều tài khoản, thu hút được nhiều khách hàng thì trước khi duyệt mở một tài khoản nên bớt chút thời gian tư vấn thêm cho khách hàng các kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình, bảo đảm an toàn thông tin, biết thế nào là an toàn tài chính. Từ đó, người dân sẽ ý thức được quyền, trách nhiệm của bản thân, đất diễn của các đối tượng lừa đảo, tình trạng mua, bán, nhờ đứng hộ tên tài khoản ngân hàng sẽ không còn nữa”, Luật sư Huế nói.