Sáng ngày 4/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ chủ trì cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ngành du lịch quyết tâm phục hồi toàn diện
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - đánh giá Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến ngành du lịch, đã ban hành một loạt các chính sách thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19, trong đó phương châm phát triển du lịch Việt Nam đã được Chính phủ nêu rõ trong Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ là sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục thuận lợi, đơn giản, cạnh tranh, môi trường vệ sinh sạch đẹp, điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện.
"Với những chính sách cụ thể như vậy, doanh nghiệp du lịch sẽ có điều kiện phát triển, đặc biệt là chính sách mới về visa đã góp phần tăng trưởng khách du lịch quốc tế", ông Bình khẳng định.
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - phát biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc |
Ông Vũ Thế Bình thông tin, năm 2024, toàn ngành du lịch quyết tâm phục hồi toàn diện, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu của năm 2019, năm tăng trưởng kỷ lục trước đây của du lịch Việt Nam. Thực hiện mục tiêu này, 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón 11,4 triệu khách du lịch quốc tế, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh những kết quả cao về thu hút khách quốc tế, thu hút khách du lịch nội địa cũng tăng trưởng rất nhanh, 8 tháng đầu năm đã đạt 90 triệu lượt khách du lịch, vượt qua cả năm 2019.
Về thu nhập trong ngành du lịch, 8 tháng đầu năm 2024, đã được 586.000 tỷ đồng, tăng 21% trong 8 tháng đầu năm 2019. Tuy rằng tình hình thế giới có nhiều yếu tố không ổn định, thiệt hại do cơn bão số 3 vừa qua, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phấn đấu vượt qua các chỉ tiêu đã cam kết.
Đáng lưu ý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chia sẻ những chuyển hướng của du lịch Việt Nam. Theo đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu, sở thích của khách du lịch đã thay đổi, xu thế của một số thị trường du lịch truyền thống cũng thay đổi, do vậy du lịch Việt Nam đã chủ động điều chỉnh lại hoạt động của mình cho phù hợp với tình hình mới.
Cụ thể, về sản phẩm du lịch: Sau đại dịch Covid-19, một số sản phẩm được khách quan tâm hơn như du lịch văn hóa (khai thác các di sản văn hóa kết hợp với thiên nhiên); du lịch thể thao (du lịch golf, chạy tập thể); du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch MICE (kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng, triển lãm, hội chợ); du lịch mạo hiểm (leo núi, lặn biển, khám phá hang động)... và các dịch vụ phục vụ du lịch: ẩm thực Việt Nam, hàng hóa phục vụ khách...
Bên cạnh đó là xu hướng du lịch quan tâm đến các điểm đến du lịch hấp dẫn, có các dịch vụ cao cấp, có ứng dụng công nghệ cao và nghiệp vụ cao từ quản lý đến người lao động.
Về nhân lực du lịch, ông Bình cho biết, xu thế ngành du lịch đòi hỏi ngày một cao lao động du lịch có tính chuyên nghiệp, có kỹ năng, nghiệp vụ cao. Trình độ dịch vụ đã trở thành một yếu tố quan trọng trong cạnh tranh du lịch, trong nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam.
Về xúc tiến du lịch, ngành du lịch tập trung xây dựng thương hiệu địa phương, thương hiệu sản phẩm và xúc tiến du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong xúc tiến du lịch, trong công tác truyền thông, trong xây dựng sản phẩm, trong quản lý và kinh doanh du lịch.
Mặt khác, do đặc thù của ngành, các doanh nghiệp du lịch vẫn triển khai các phương thức truyền thống trong xúc tiến du lịch như tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, các sự kiện du lịch quốc tế và quốc gia, các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thị trường, sản phẩm, tăng cường liên kết trong và ngoài nước.
Nhờ phát triển các loại hình du lịch mới, ứng dụng nhanh công nghệ hiện đại, du lịch Việt Nam có điều kiện để phục hồi và tăng trưởng nhanh.
Hạ tầng giao thông cho du lịch cần được ưu tiên
Để hỗ trợ ngành du lịch thực hiện nhanh mục tiêu, thay mặt Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình đã đưa ra những kiến nghị cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng hạ tầng du lịch, giao thông vận tải là yếu tố rất quan trọng với ngành du lịch, việc kết nối các điểm du lịch với nhau giữa các địa phương của Việt Nam và của Việt Nam với thế giới luôn rất quan trọng.
Ông Bình cho biết, ngành du lịch rất vui mừng khi Đảng đã có chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam. Xây dựng đường sắt cao tốc không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp bách của phát triển kinh tế, xã hội cả nước mà cho ngành Du lịch một động lực phát triển, tạo điều kiện khai thác các giá trị thiên nhiên và văn hóa của tất cả các địa phương trên đường sắt.
Do đó, Hiệp hội Du lịch đề nghị Chính phủ đẩy mạnh dự án đường sắt cao tốc và đề xuất xây dựng trước các đoạn nối các trung tâm du lịch trong nước với nhau (ví dụ TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Vinh,... Xây dựng một số ga tàu trở thành một điểm dịch vụ du lịch hiện đại (ví dụ: Gần các di tích lịch sử, văn hóa, là một trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm văn hóa...) để những nhà ga này là nơi thu hút khách và cung cấp cho khách các sản phẩm hàng hóa, văn hóa, ẩm thực độc đáo của Việt Nam.
Khách du lịch tàu biển di chuyển từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long để đi tham quan, khám phá thành phố. Ảnh: Quangninh.gov.vn |
Thứ hai, tăng cường vận chuyển đường sông và đường biển để phục vụ phát triển du lịch.
Về đầu tư các điểm du lịch, đề nghị các địa phương tập trung vào những điểm du lịch lớn, trọng điểm, hấp dẫn du khách, để xây dựng thành điểm nhấn cho hoạt động du lịch của địa phương, tránh dàn trải.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch. Sau đại dịch Covid-19, nhân lực ngành du lịch thiếu trầm trọng, hiện ngành chỉ đạt 60-70% lực lượng lao động so với trước kia.
"Để phát triển lực lượng này, bên cạnh sự cố gắng từ phía doanh nghiệp, về lâu dài, Nhà nước vẫn cần hỗ trợ trực tiếp, giao cho doanh nghiệp để họ trực tiếp làm và có sự giám sát của các cơ quan liên quan. Nếu ngân sách phục vụ cho đào tạo nguồn nhân lực đến được với doanh nghiệp thì sẽ hỗ trợ hiệu quả và nhanh nhất", ông Bình nhấn mạnh.
Về xúc tiến du lịch, hiện tốc độ tăng trưởng khách du lịch còn chậm so với nhu cầu do công tác xúc tiến còn yếu, Nhà nước ngoài việc lo xúc tiến ở các điểm đến quốc gia, hình ảnh của toàn quốc, điểm đến của Việt Nam, cũng cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là hỗ trợ cho việc xúc tiến chung của các địa phương. Nếu Nhà nước có quỹ xúc tiến du lịch, hỗ trợ thẳng cho doanh nghiệp thì việc xúc tiến sẽ mạnh mẽ hơn, thu hút nhiều khách hơn.
Cuối cùng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Hiệp hội Du lịch đang đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp du lịch.
Trên cơ sở kết quả của dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch" do UNDP tài trợ, Hiệp hội Du lịch đang triển khai chương trình phát triển du lịch xanh, phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ công bố danh sách một số doanh nghiệp du lịch Việt Nam đầu tiên đạt tiêu chuẩn du lịch xanh, từ đó thu hút các doanh nghiệp du lịch cả nước tham gia. Doanh nghiệp du lịch xanh sẽ hoạt động trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường xanh, sạch đẹp như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.