Năm 2020 sắp đi qua, năm đầu tiên ngành mía đường Việt Nam hội nhập đầy đủ với khu vực ASEAN (ngày 1/1/2020, Việt Nam đã xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết ATIGA). Niên vụ sản xuất mía đường 2019/2020 đã kết thúc, niên vụ 2020/2021 đã bắt đầu. Theo số liệu báo cáo của VSSA, niên vụ 2019/2020, sản lượng đường sản xuất trong nước chỉ đạt 913.397 tấn, giảm 405.979 tấn (34,58%) so với vụ trước; trong đó, đường sản xuất từ mía chỉ đạt 767.954 tấn, còn lại là sản xuất từ đường thô nhập khẩu (145.443 tấn).
Đường tinh luyện. Ảnh minh họa |
Còn theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), niên vụ 2019/2020, tổng diện tích trồng mía là 182.599ha, giảm 18,4% so với niên vụ 2018/2019; năng suất mía bình quân đạt 61,5 tấn/ha, giảm 1,9% so với niên vụ 2018/19, sản lượng mía chỉ đạt 11.235.984 tấn, giảm 20% so với niên vụ 2018/2019. Ngoài ra, số liệu do các nhà máy đường báo cáo cũng cho thấy, niên vụ 2019/2020, sản lượng mía nguyên liệu đưa vào chế biến chỉ đạt 7.662.235 tấn (kế hoạch dự kiến đầu vụ là 9.750.475 tấn). Đây là niên vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 19 năm qua.
Tháng 4/2016, Brazil khởi kiện Thái Lan ra WTO về trợ giá đường vi phạm các nguyên tắc WTO. Đơn kiện của Brazil về trợ giá đường của Thái Lan đã được EU và Guatemala đồng thuận và tham gia. Thái Lan thừa nhận vi phạm các nguyên tắc thương mại quốc tế của WTO. Tuy nhiên, Thái Lan đã cố tình chây ì khắc phục vi phạm 4 năm nay và không biết bao giờ mới khắc phục xong. |
Nguyên nhân sản lượng mía và đường niên vụ 2019/2020 đều sụt giảm mạnh, ngoài các yếu tố do thiên tai, dịch bệnh..., theo VSSA, nguyên nhân chính quan trọng là giá đường xuống thấp do tác động cạnh tranh của các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nước ngoài, đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu, kéo theo giá đường trong nước và giá mía nguyên liệu tụt giảm thê thảm. Giá đường trong nước sụt giảm, nhiều nhà máy bị tồn kho cao, kinh doanh thua lỗ, dù đã cố gắng để kìm hãm đà tụt giảm giá mua mía nguyên liệu cho người nông dân nhằm duy trì vùng nguyên liệu để hoạt động, nhưng vẫn không ngăn được tình trạng nông dân bỏ cây mía, chuyển đổi sang cây trồng khác, do giá mía không bù đắp được chi phí sản xuất và không có lãi.
VSSA phản ánh, ngay sau khi Việt Nam thực thi cam kết ATIGA xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN ngày 1/1/2020, những tháng đầu năm 2020, một lượng đường nhập khẩu lớn đã tràn vào thị trường Việt Nam. Ước tính trong năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam lên đến hàng triệu tấn, trong đó đường nhập khẩu từ Thái Lan chiếm khoảng 80-90%.
Trong khối ASEAN, hiện có 4 quốc gia sản xuất mía đường chính, đó là Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Việt Nam tuy thực thi cam kết ATIGA sau, nhưng đã nghiêm túc thực hiện. Các quốc gia khác, trong đó có Thái Lan, dù thực thi ATIGA trước Việt Nam, nhưng trên thực tế đã không hề mở cửa thị trường đường và đã áp dụng những biện pháp khác nhau để bảo vệ thị trường đường trong nước.
Thu hoạch mía. Ảnh minh họa |
Theo thông tin từ các cơ quan Chính phủ của Thái Lan, vụ mía đường 2019/2020, ngành đường Thái Lan phải đối phó với hạn hán nghiêm trọng, sản lượng mía giảm chỉ còn 74,89 triệu tấn, năng suất mía chỉ đạt 45,3 tấn/ha so với sản lượng mía dự báo ban đầu là 100 triệu tấn, năng suất mía dự báo 57,25 tấn/ha. Chi phí sản xuất mía của Thái Lan đã tăng lên 1.419 baht/tấn mía (tương đương 45 USD/tấn) so với chi phí dự báo ban đầu là 1.110 baht/tấn. Năng suất đường của Thái Lan vụ 2019/2020 chỉ đạt 4,76 tấn đường/ha (thấp hơn cả Việt Nam).
Trong bối cảnh đó, để bảo đảm thu nhập cho nông dân trồng mía và hỗ trợ ngành đường, bất chấp việc khắc phục khiếu nại của Brazil ra WTO về việc trợ cấp ngành đường không phù hợp với các quy tắc của WTO chưa giải quyết xong, Chính phủ Thái Lan vẫn trực tiếp trợ cấp bằng cách ra Nghị quyết phê duyệt dự án tài chính hỗ trợ cho nông dân trồng mía mua tư liệu sản xuất niên vụ 2019/2020, với ngân sách hỗ trợ khoảng 325 triệu USD, theo đề xuất của Bộ Công nghiệp Thái Lan. Trên thị trường đường nội địa, Chính phủ Thái Lan quy định giá sàn đối với sản phẩm đường tiêu thụ là 23,5 bath/kg (tương đương 17.695 đồng/kg).
Đối với đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam, theo số liệu của Văn phòng Hội đồng Đường Thái Lan, các loại đường và giá trị xuất khẩu đường của Thái Lan vào Việt Nam chỉ trong 7 tháng đầu năm 2020 đã lên đến 769.117 tấn, kim ngạch khoảng 252,1 triệu USD. Bình quân giá đường Thái Lan xuất khẩu (gồm cả đường thô và đường tinh luyện), chỉ ở mức 327,7 USD/tấn. Giá đường xuất khẩu của Thái Lan thấp hơn cả chi phí mía trong đường, bởi niên vụ 2019/2020, tại Thái Lan, chỉ tiêu chế biến của ngành đường được xác định là 9,13 mía/đường. Thực tế này cho thấy, tính chất phá giá của đường Thái Lan bán vào thị trường Việt Nam là khá rõ.
Ngoài ra, mặc dù là một quốc gia ASEAN đã thực thi ATIGA từ năm 2015, nhưng tháng 3/2020, Chính phủ Thái Lan vẫn thông qua một Nghị quyết nhằm hạn chế dòng đường nhập khẩu vào thị trường Thái Lan. Như vậy, không có chuyện có thương mại tự do với sản phẩm đường tại Thái Lan theo cam kết ATIGA.
Hội nhập ATIGA mở cửa tự do thương mại với ngành đường trong khu vực, các quốc gia thành viên phải tuân thủ nghiêm túc. Tuy nhiên, núp dưới “bóng” thương mại tự do ATIGA, dòng đường từ Thái Lan được Chính phủ nước này trợ cấp, bán phá giá, đã tràn vào Việt Nam đe dọa làm thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước. Bộ Công Thương mới đây đã quyết định điều tra chống bán phá giá, chống chợ cấp và có thể chính thức áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu có xuất xứ Thái Lan là có đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng. VSSA cho rằng, Bộ Công Thương cần khẩn trương đẩy nhanh quá trình điều tra để đưa ra kết luận, sớm áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam, để bảo vệ ngành mía đường trong nước.