Ngay sau khi một số tỉnh, thành phố của Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, DN chuyên sản xuất, xuất khẩu cà phê Cánh Diều đã bị dừng một đơn hàng lớn đi Nhật Bản. Bà Võ Thúy Hằng - Giám đốc Công ty Cánh Diều - cho biết, phía đối tác Nhật Bản dừng đơn vì lo ngại những vấn đề phát sinh do giãn cách tại Việt Nam làm ảnh hưởng đến kế hoạch cung ứng cho khách hàng. “Tuy nhiên, công ty vẫn đang cố gắng để duy trì, kết nối bình thường với nhiều đối tác tại Hàn Quốc, châu Âu, thông qua các hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu trực tuyến của Chi hội Doanh nhân quốc tế Việt Âu” - bà Hằng cho hay.
Bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch Chi hội Doanh nhân quốc tế Việt Âu - cho hay, dù mới thành lập hơn 1 năm, nhưng chi hội đã có gắn kết rất tốt với Đại sứ quán các nước châu Âu tại Việt Nam, kết nối với các hiệp hội ngành hàng cũng như tận dụng tối đa mọi cơ hội từ chính sách hỗ trợ mà Bộ Công Thương dành cho cộng đồng DN để triển các khai hoạt động.
Trước đợt dịch thứ 4 bùng phát, tại phòng trưng bày hàng mẫu, Chi Hội Doanh nhân quốc tế Việt Âu đã đều đặn tổ chức các buổi bàn kế hoạch, tìm cơ hội xúc tiến hợp tác đầu tư cho DN. Hoạt động đáng chú ý của đơn vị này đó là đã tổ chức Chương trình kết nối trực tiếp xúc tiến thương mại xuất nhập khẩu cho 33 đối tác của Nga với các đối tác Việt Nam đang kinh doanh trong 13 lĩnh vực chuỗi bán lẻ, xuất nhập khẩu nội thất, thiết bị y tế, dược phẩm, dầu khí, luyện kim, truyền thông, thực phẩm…
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Chi hội Doanh nhân Quốc tế Việt Âu đã trở thành cầu nối thị trường cho nhiều DN, giúp các mặt hàng của Việt Nam có cơ hội tiếp cận với bạn bè quốc tế một cách nhanh nhất.
Một tổ chức khác là Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) cũng liên tục tổ chức các buổi xúc tiến xuất khẩu online cho DN với các đối tác tại: Pháp, Hà Lan, Singapore, Thái Lan, Nga. Nhiều dự án hợp tác đang trong giai đoạn triển khai, nhiều văn phòng trưng bày hàng mẫu đã được mở tại hơn 30 nước như: Bỉ, Hà Lan, Rumani, Pháp để hỗ trợ DN xúc tiến xuất khẩu.
Tuy nhiên, để hàng Việt xâm nhập vào các thị trường lớn, còn hết sức khó khăn và đầy thách thức. Do dịch bệnh, cước vận chuyển tăng cao nên nhiều đơn hàng không thể xuất khẩu hoặc bị chậm theo cam kết của hợp đồng. Mặt khác, yêu cầu đối tác rất nghiêm ngặt về chất lượng, trong khi các vùng nguyên liệu sản xuất của DN nằm rải rác, chất lượng không đồng đều dẫn tới thiếu sức hút đầu vào cho các đơn hàng; DN hạn chế về tài chính nên chưa sẵn sàng hoàn thiện các tiêu chuẩn đã để tuột các đơn hàng lớn. Chính vì vậy, cộng đồng DN rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ Công Thương, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp thông tin về các thủ tục, yêu cầu của thị trường; tăng cường kết nối, chia sẻ tình hình xuất nhập khẩu cũng như sớm có định hướng thị trường trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để DN lên kế hoạch kinh doanh phù hợp cho thời gian tới.
Để hàng Việt xâm nhập vào các thị trường lớn, cộng đồng DN rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp thông tin, thủ tục, yêu cầu của thị trường… |