Nhiều nguy cơ
Sở Công Thương Vĩnh Phúc cho biết, hiện trên địa bàn có trên 11.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có trên 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đa số các doanh nghiệp hoạt động hóa chất công nghiệp trên địa bàn tập trung trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với nhu cầu sử dụng hóa chất ngày càng lớn.
Các loại chất có tính độc hại cao, một khi xâm nhập vào môi trường sẽ là tác nhân vô cùng nguy hiểm gây hủy hoại hệ sinh thái trong tự nhiên |
Theo số liệu thống kê của Phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường, Sở Công Thương Vĩnh Phúc, toàn tỉnh có trên 200 doanh nghiệp đang hoạt động hóa chất song mới chỉ có gần 60 doanh nghiệp nộp báo cáo, khai báo hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất định kỳ theo quy định. Các hóa chất được cơ sở, doanh nghiệp sử dụng bao gồm các nhóm: hóa chất cơ bản, chế phẩm hóa chất, khí công nghiệp, sơn công nghiệp, dung môi, chất làm sạch bề mặt kim loại, thiết bị điện, điện tử, hóa chất sản xuất giấy, hóa chất chế biến đồ uống, thực phẩm, sành sứ, thủy tinh,... hoạt động liên quan đến hóa chất tại các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe, thậm chí tính mạng con người, gây thiệt hại kinh tế và môi trường sống. Do đó, việc sử dụng hóa chất trong sản xuất công nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định của pháp luật.
Hay đơn cử như tỉnh Bắc Ninh- là tỉnh công nghiệp phát triển, tại đây đã có sự hiện diện của các tập đoàn lớn trên thế giới và hơn 7.000 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Trong đó có hơn 200 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng, lưu giữ vận chuyển hàng ngàn loại hóa chất khác nhau. Phần lớn các hóa chất đều có mức độ nguy hiểm, độc hại. “Quá trình cất trữ, sử dụng hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, hóa chất độc dễ xâm nhập cơ thể con người, phát tán ra môi trường, đó là nguyên nhân gây ra tai nạn, bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sống, nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả”- đại diện Sở Công Thương Bắc Ninh cho hay.
Theo quy định, các cơ sở sản xuất công nghiệp phải chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tùy theo quy mô và đối tượng cụ thể; tự tổ chức huấn luyện, tuyên truyền trong sử dụng, bảo quản hóa chất, cập nhật thông tin lưu trữ, thông báo tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất hằng năm với cơ quan chức năng. Đối với địa phương thì phải triển khai xây dựng và thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh.
Lập kế hoạch ứng phó sự cố hoá chất được xem là một việc làm có ý nghĩa vô cùng cấp thiết |
Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chủ quan, lơ là, thụ động, chỉ chú trọng quan tâm thật sự sau khi sự cố xảy ra, một số cơ sở dù có quan tâm nhưng thực hiện mang tính đối phó, chưa đầy đủ. Vi phạm phổ biến là chưa thực hiện việc xây dựng biện pháp hoặc kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất; chưa tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất; chưa xây dựng được nội quy an toàn hóa chất cho cơ sở; sắp xếp hóa chất trong kho chưa bảo đảm an toàn theo đúng các quy định hiện hành...
Nâng cao công tác phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất
Nhận định rõ yếu tố nguy hiểm, tiềm ẩn gây thiệt hại trực tiếp đến tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, Chính phủ, Bộ Công Thương đã nhìn nhận thực trạng này và ban hành hệ thống văn bản pháp luật tương đối đầy đủ về quản lý hóa chất, cụ thể: Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 5/3/2013 về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại; Quyết định 26/2018/QĐ-TTg ngày 1/7/2018 ban hành quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc.
Doanh nghiệp cần có ý thức chủ động phòng ngừa thay vì để xảy ra sự cố rồi mới ứng phó |
Đại diện Cục Hóa chất cho biết, trong thời gian tới doanh nghiệp cần có ý thức chủ động phòng ngừa thay vì để xảy ra sự cố rồi mới ứng phó. Cụ thể, doanh nghiệp phải bám sát đánh giá rủi ro mới nhất, chú ý các sự cố đã từng xảy ra, chủ động lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó nhanh chóng, sát với tình hình thực tiễn…
Về phía các địa phương cũng nhìn nhận sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật về ứng phó, xử lý sự cố hóa chất, quản lý và xử lý chất thải nguy hại, đảm bảo an toàn môi trường. Thường xuyên nắm bắt tình hình, dữ liệu về số lượng cơ sở hoạt động hóa chất, lượng hóa chất nguy hiểm lưu trữ tại thời điểm để có giải pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng và tồn trữ hóa chất trên địa bàn; kịp thời chấn chỉnh những bất cập trong đảm bảo an toàn hóa chất; xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình vi phạm. Bên cạnh đó Sở Công Thương các địa phương cũng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát tổng thể các nội dung thực hiện; nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đối với các doanh nghiệp hoạt động hóa chất trên địa bàn.
Cục Hóa chất đề nghị các địa phương chủ động hơn để có các kịch bản cũng như thực hiện diễn tập theo quy định của Luật Hóa chất. |
Cục Hóa chất cũng đề nghị các địa phương chủ động hơn để có các kịch bản cũng như thực hiện diễn tập theo quy định của Luật Hóa chất. Bên cạnh đó, thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong ứng phó sự cố hóa chất; nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, nhằm ngăn ngừa không để sự cố xảy ra cũng như sẵn sàng tích cực tham gia ứng phó khi sự cố xảy ra. Quan trọng hơn là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy trong hoạt động hóa chất.
Cục Hóa chất lưu ý, đối với từng địa phương, cần đẩy mạnh công tác quản lý an toàn hóa chất, xây dựng kế hoạch của tỉnh để phòng ngừa sự cố cũng như có ứng phó kịp thời trong các trường hợp sự cố hóa chất vượt ngoài tầm xử lý của doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực về con người cũng như trang, thiết bị của các doanh nghiệp và các lực lượng ứng cứu chuyên nghiệp. |