Thông tin được bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, tại Hội thảo về phát triển các dự án tiết kiệm năng lượng trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam", được tổ chức sáng nay 1/10 tại TP. Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), phát biểu tại hội thảo |
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Nhận thức tầm quan trọng về tiết kiệm năng lượng, an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Việt Nam đã tích cực triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP). Theo đó, Chương trình VNEEP 1 giai đoạn 2006 - 2010 mức tiết kiệm năng lượng đạt được là 3-4%, tương đương 4,9 triệu TOE; Kết quả của Chương trình VNEEP 2 giai đoạn 2012 - 2015 mức tiết kiệm năng lượng đạt được là 5,65%, tương đương với 11,2 triệu TOE.
Đặc biệt, nhằm tăng cường hơn nữa công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 với mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 - 2025 và từ 8 - 10% trong giai đoạn 2019 - 2030.
Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự |
Có thể thấy thời gian qua, Chính phủ đã tích cực triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ và các tổ chức, cá nhân trong nước, Việt Nam đã và đang nhận được hỗ trợ từ nhiều quốc gia và các tổ chức phi chính phủ, trong đó có Hàn Quốc về phát triển các dự án tiết kiệm năng lượng. Đơn cử như dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam" do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, được Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc phối hợp Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) triển khai thực hiện. Dự án là một phần trong quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc.
Theo đó, dự án tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các đơn vị cung cấp dịch vụ năng lượng (gồm các Công ty Dịch vụ năng lượng và các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, gọi tắt là ESCO) và các cán bộ quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Thông qua hình thức đào tạo, thực hành tại các dự án thí điểm, họ có cơ hội được triển khai tất cả các bước thực hiện dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng theo mô hình kinh doanh ESCO.
Đẩy mạnh triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng
Ông Kim Jinoh - Giám đốc Khuc vực - Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đánh giá, giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đã đạt được những kết quả nhất định. Trong khi đó, giai đoạn 3 của Chương trình mới bắt đầu thực hiện và sẽ kéo dài đến năm 2030. Do đó, KOICA mong muốn được đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng của Chính phủ Việt Nam.
Ông So Jaehwan - Cơ quan năng lượng Hàn Quốc, chia sẻ kinh nghiệp phát triển mô hình ESCO tại hội thảo |
Tại hội thảo các đại biểu đã trình bày và tập trung thảo luận vào các nội dung như: chia sẻ kinh nghiệm triển khai dịch vụ tiết kiệm năng lượng của ESCO trong ngành công nghiệp; giới thiệu về mô hình ESCO tại Hàn Quốc; giới thiệu các nguồn tài chính có thể tiếp cận để đầu tư dự án tiết kiệm năng lượng.
Thời gia qua Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác đã có nhiều nỗ lực, giải pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Mặt khác, mô hình đầu tư sử dụng, tiết kiệm năng lượng và hiệu quả đã được triển khai tại Việt Nam, nhưng thị trường chưa phát triển do đây là một mô hình mới…
Theo ông So Jaehwan - Cơ quan năng lượng Hàn Quốc, Việt Nam cần ứng dụng mô hình ESCO, nhằm cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện cho khách hàng như: Thực hiện và thiết kế các dự án tiết kiệm năng lượng, Qua đó bảo đảm mức tiết kiệm năng lượng, phát điện và cung cấp năng lương, quản lý rủi ro… đồng thời giúp khách hàng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lương.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng, các doanh nghiệp (DN) hiện nay rất cần được hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện kế hoạch tiết kiện năng lượng và phát triển xanh. Từ đó sẽ giúp DN giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp cho sự phát triển bền vững của cả cộng đồng.
Do đó, việc thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam, sẽ góp phần cùng Chính phủ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp hiện chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm thì nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỷ kWh điện; đến năm 2025 cần 352 tỷ kWh và đến 2035 là 506 tỷ kWh điện. |