Đây là ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại Hội nghị quốc tế lớn nhất Việt Nam về năng lượng sạch (The Solar Show 2019) diễn ra trong hai ngày 3-4/ 4 tại TP.Hồ Chí Minh. Hội nghị do Terrapinn Pte tổ chức với trên 3.000 chuyên gia trong ngành năng lượng đến từ nhiều nước và hơn 100 công ty tham gia triển lãm những sản phẩm và giải pháp mới nhất trong ngành năng lượng. Trong đó 90% doanh nghiệp đến từ các nước có nền công nghiệp phát triển như Đức, Úc, Anh, Pháp... Cùng với trưng bày thiết bị, công nghệ, hội nghị còn có nhiều phiên thảo luận với hơn 40 bài diễn thuyết về những sáng kiến, những kết qủa thành công mới nhất trong ngành năng lượng sạch trên thế giới.
Các doanh nghiệp nước ngoài tham gia triển lãm, giới thiệu công nghệ mới về năng lượng mặt trời |
Ông Mai Văn Trung - Giám đốc phát triển dự án của Tập đoàn Năng lượng mặt trời Bách khoa (SolarBK) – cho biết, trước đây SolarBK đã từng tham dự nhiều sự kiện về năng lượng sạch quốc tế. Các sự kiện đó hoàn toàn giao dịch bằng tiếng Anh nhưng lần này tiếng Việt đã xuất hiện. Điều đó cho thấy nhiều doanh nghiệp trong nước hiện rất quan tâm đến điện mặt trời. “ Trước đây thị trường năng lượng mặt trời chủ yếu thực hiện dưới mặt đất nhưng tháng ba vừa rồi giá điện tăng cùng với nhiều chính sách của nhà nước hỗ trợ cho lĩnh vực này nên thị ttrường hiện nay chuyển qua sôi động ở lĩnh vực điện mặt trời áp mái nhà. “Chẳng hạn, trước đây mỗi tháng chỉ có 3-5 khách hàng hợp tác với SolarBK gắn thiết bị điện mặt trời áp mái nhà thì hiện nay con số này đã tăng lên khoảng 30 khách hàng/tháng “, ông Trung chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, tiềm năng của điện mặt trời Việt Nam còn rất lớn. Nhưng nếu các doanh nghiệp trong nước không có sự chuẩn bị vững chắc và sự hợp tác của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh trên sân nhà khi các doanh nghiệp nước ngoài vốn thừa kinh nghiệm đi trước cũng như tiềm lực tài chính trong lĩnh vực này.
Nhiều thiết bị năng lượng mặt trời mới, hiện đại tham gia triễn lãm |
Theo đánh giá của các doanh nghiệp Việt Nam, thị trường năng lượng mặt trời của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và ngày càng được các doanh nghiệp lớn của các nước quan tâm và xúc tiến đầu tư.
Bà Phan Tôn Nữ Khánh Trâm – Quản lý vùng tại Việt Nam của Tập đoàn Schletterw chuyên sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời từ Đức cho biết, doanh nghiệp này đang xúc tiến mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Theo đó bên canh việc trực tiếp cung cấp các thiết bị, còn chuyển giao các gói đầu tư thiết bị, tổ chức vận hành và quản lý.
Cũng có mặt tại The Solar Show 2019, Công ty Cổ phần đầu tư Phan Vũ (Phan Vu Group) là doanh nghiệp nghiệp sản xuất cấu kiện bê tông và dẫn đầu về sản phẩm cọc nền móng cho các công trình xây dựng, đặc biệt là cọc móng cho các dự án điện mặt trời phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Myanmar. Ông Đặng Kiện Hùng - Phó Tổng giám đốc Phan Vu Group - đánh giá, ngành năng lượng mặt trời của Việt Nam đang có sức hút rất lớn từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của thế giới và dự báo về khả năng phát triển nhanh trong tương lai.
Từ thực tế của thị trường, ông Hùng cho rằng, gần đây Chính phủ, Bộ Công Thương đã có nhiều chính sách để hỗ trợ ngành công nghiệp năng lượng sạch phát triển, tuy nhiên các doanh nghiệp trong nước cần phải tận dụng tối đa cơ hội này để đầu tư, phát triển. Trong đó, doanh nghiệp cần tính đến cách làm ăn lớn, theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp.