Đẩy mạnh phát triển làng nghề gắn với phong trào Tự hào hàng Việt
Đa dạng giải pháp quảng bá
Việt Nam tự hào là một trong những chiếc nôi của nghề thủ công truyền thống trên thế giới với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, mang những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú và đa dạng của Việt Nam. Trước sự phát triển của nhiều ngành nghề hiện đại, cùng sự đô thị hóa nhanh chóng các vùng đất trở thành khu công nghiệp, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều làng nghề truyền thống thuộc hơn 50 nhóm nghề như: Sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt…
Tên của những làng nghề, nghề thủ công của các nghệ nhân và thợ giỏi, những doanh nghiệp từ khắp mọi miền đất nước đã trở thành niềm tự hào của ngành thủ công Việt Nam trên thị trường quốc tế, đem lại hình ảnh một đất nước Việt Nam thanh bình, nơi có những làng nghề nép mình dưới những lũy tre xanh, nơi có những người thợ thủ công rất đỗi giản dị nhưng vô cùng tài hoa đang ngày đêm tạo nên những sản phẩm và tác phẩm cho người tiêu dùng ở khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều nghệ nhân Việt Nam đã được thế giới công nhận.
Sản phẩm do thợ thủ công các làng nghề đã đưa kim ngạch xuất khẩu lên hơn 2,35 tỷ USD năm 2019. 9 tháng đầu năm 2020, dù khó khăn do dịch Covid-19, tăng trưởng xuất khẩu ngành nghề này vẫn đạt trên 10%.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều chương trình, nội dung nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm làng nghề, ngành nghề truyền thống theo hướng hiện đại, công nghiệp, gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, hiệp hội ngành hàng/ngành nghề và các địa phương triển khai gần 400 dự án, nhiệm vụ với kinh phí 75 tỷ đồng thực hiện Đề án. Triển khai Đề án từ ngân sách trung ương giai đoạn 2014-2020, đã có gần 3.000 tin, bài, chương trình truyền hình thực hiện chuyên mục, chuyên trang “Tự hào hàng Việt Nam” trên các báo in, báo hình, báo điện tử; tổ chức gần 70 Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa được sản xuất trong nước; tổ chức gần 100 lớp đào tạo kỹ năng bán hàng, mở rộng thị trường với các đối tượng ưu tiên nhân viên làm việc cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ cá thể… Các hoạt động này đã giúp kéo gần hơn khoảng cách cung - cầu các sản phẩm hàng Việt nói chung, sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng đến với người tiêu dùng trong nước mà còn hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Là một trong những hợp tác xã thủ công mỹ nghệ tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), cơ sở thủ công mỹ nghệ VỤN ART rất chú trọng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề do Bộ Công Thương và các đơn vị khác triển khai. Anh Lê Việt Cường - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông - người sáng lập cơ sở VỤN ART - chia sẻ, những sản phẩm đầu tiên tham gia cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018 đã nhận được giải khuyến khích của Ban giám khảo, năm 2019, sản phẩm của cơ sở đạt 4 sao trong Chương trình OCOP của UBND thành phố Hà Nội.
Nhờ việc tích cực tham gia các sự kiện kết nối cung - cầu, cùng với việc sở hữu các sản phẩm độc đáo, có mẫu mã đẹp nên sản phẩm của VỤN ART được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Đến nay, cơ sở tạo việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, để kịp thời động viên các doanh nghiệp, các nghệ nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của làng nghề, ngành nghề công nghiệp nông thôn, Chương trình vinh danh và trao giải thưởng cho các doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện CVĐ đã kịp thời triển khai. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức thành công Lễ Tôn vinh, trao giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vinh danh nghệ nhân ưu tú… Đây cũng là dịp quảng bá các sản phẩm, tinh hoa làng nghề thủ công mỹ nghệ.
Xây dựng hệ thống phân phối ổn định cho sản phẩm
Nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm làng nghề, bên cạnh việc tích cực triển khai các giải pháp kết nối cung - cầu, Bộ Công Thương còn chú trọng xây dựng các điểm bán hàng cố định cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, giai đoạn 2014-2020, trên 100 mô hình thí điểm bán hàng Việt Nam đã được xây dựng tại các địa phương. Đây được đánh giá là một điểm phát luồng hàng hóa hiệu quả trong khu vực, điểm tập kết các đặc sản vùng, địa phương, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng nhằm tăng cường tiêu thụ gắn với quảng bá du lịch. Nhiều điểm bán hàng Việt Nam gắn với quảng bá đặc sản vùng, địa phương: Lào Cai, Hà Giang... đã ngày càng thu hút đông du khách và người tiêu dùng địa phương. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn, việc đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ vào các điểm bán đã góp phần nâng cao doanh thu tại thị trường nội địa, tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, quảng bá hiệu quả do Bộ Công Thương triển khai đã giúp duy trì và tăng số hộ sản xuất, số lao động tại các làng nghề để đáp ứng sản lượng, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Việc quảng bá, phát triển và xây dựng thương hiệu các làng nghề thủ công mỹ nghệ còn mang lại nhiều lợi ích về mặt xã hội, giúp tạo thêm nhiều việc làm mới, giảm bớt tình trạng thất nghiệp ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho các hộ gia đình và người lao động nông thôn tăng thu nhập ổn định và cải thiện đời sống.
Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam diễn ra tối ngày 15/12/2020, tại Hà Nội. Đây là năm thứ hai lễ trao tặng được tổ chức trong khuôn khổ Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. |