Ông Phùng Văn Sỹ - Vụ Dầu khí, than (Bộ Công Thương) - cho biết, bên cạnh nguồn khí trong nước, từ sau năm 2020 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để bù đắp lượng thiếu hụt và hỗ trợ cho các nhà máy điện khí hiện có. Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí đến năm 2035, Việt Nam sẽ cần nhập 1-4 tỷ m3 khí LNG mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025 và sẽ tăng lên 6-10 tỷ m3 mỗi năm vào sau năm 2026.
Ông Phùng Văn Sỹ - Vụ Dầu khí, than (Bộ Công Thương), phát biểu tại hội thảo |
Tại hội thảo, các công ty hàng đầu của Hoa Kỳ về lĩnh vực năng lượng và LNG như Fluor Corporation, Braemar WaveSpec, Emerson đã chia sẻ thông tin về phát triển các giải pháp, công nghệ tiên tiến cho ngành LNG như: Phát triển dự án, thiết kế nhà ga nhập khẩu LNG, mô hình kinh doanh và vận hành thiết bị đầu cuối nhập khẩu LNG, công nghệ và điều khiển thiết bị đầu cuối LNG, các phương án tài chính khả thi cho dự án LNG và quản lý năng lượng.
Theo các chuyên gia, hiện LNG là nguồn năng lượng sạch đang được xem là một trong những giải pháp quan trọng và xu hướng tất yếu đối với thế giới và Việt Nam trong bối cảnh các nguồn tài nguyên truyền thống như thủy điện, than... trên đà suy giảm. Do đó, hội thảo này sẽ mở cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khí thiên nhiên hóa lỏng, nhằm phát triển hiệu quả hạ tầng LNG, thúc đẩy thị trường đầu ra cho LNG trong thời gian tới giữa các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam.
Các công ty Hoa Kỳ mong muốn hợp tác, chuyển giao công nghệ tiên tiến cũng như chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và LNG |
Hoa Kỳ là quốc gia đi đầu với những giải pháp công nghệ tiên tiến và thông minh cho toàn chuỗi cung ứng LNG. Các công ty Hoa Kỳ mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, để đầu tư và phát triển các giải pháp, công nghệ tiên tiến cho ngành LNG của Việt Nam.
Hiện Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các công ty trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực LNG hợp tác với nhau. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường LNG của Việt Nam sẽ trở nên sôi động và hấp dẫn trong thời gian tới.
Theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 15.000 MW điện khí, chiếm 15,6% tổng công suất các nguồn điện, tương ứng sản xuất 19% tổng sản lượng điện. Con số này sẽ tăng lên 19.000 MW vào năm 2030, tương đương cần 22 tỷ m3 khí, trong đó 50% từ nguồn nhập khẩu khí LNG. |