Tại hội thảo, ông Yoon Hyowon - điều phối viên dự án IndustriALL - cho biết, theo tiêu chuẩn lao động của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, người lao động có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức công đoàn đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Giới sử dụng lao động hay Chính phủ không có quyền can thiệp đối với việc người lao động thành lập hoặc tham gia các hoạt động công đoàn.
Theo ông Nguyễn Xuân Thái - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, đặc biệt khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết, hoạt động công đoàn đang đứng trước nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ phát triển đoàn viên ngày càng phải được chú trọng - ông Thái khẳng định.
Đánh giá về công tác kết nạp đoàn viên thời gian qua, ông Hồ Phi Giao - Trưởng ban Tổ chức Công đoàn Công Thương Việt Nam - cho biết, những năm qua, các cấp công đoàn đã xác định công tác phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn các cấp, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động công đoàn, thu hút được người lao động tham gia. Nhiều đơn vị đã chủ động trích kinh phí hàng năm cho công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên, hỗ trợ công đoàn cơ sở mới thành lập…
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, đặc biệt do nhiều doanh nghiệp nhà nước chuyển sang doanh nghiệp cổ phần nên số lượng đoàn viên đã giảm đi nhiều - ông Giao chia sẻ.
Hiện Công đoàn Công Thương Việt Nam đặt mục tiêu nâng số đoàn viên lên 10 triệu vào năm 2018. Để thực hiện điều này, Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ xây dựng chương trình phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh toàn nhiệm kỳ 2013-2018. Đồng thời, sẽ tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo cho cán bộ công đoàn; biên soạn tài liệu cho công tác phát triển đoàn viên…