Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, công tác chuyển đổi số đã có nhiều chỉ tiêu về đích trước hạn. Đơn cử, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt 87%, vượt mục tiêu 80% vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hàng năm đạt hơn 50%; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên điện thoại di động đạt hơn 100%; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên kênh Internet đạt hơn 50%. Tỷ lệ khách hàng sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 49%. Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 23 lần GDP.
Hoạt động chuyển đổi số không chỉ tập trung ở các dịch vụ giao dịch tại ngân hàng mà được phối hợp với các ngành như giáo dục, y tế, hải quan… để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ thu hộ chi phí khám chữa bệnh |
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Bệnh viện Nhi đồng 2 phối hợp triển khai giải pháp thanh toán qua MSBPay On POS, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình chuyển đổi số. Sự hợp tác này không chỉ phản ánh tinh thần tiên phong trong việc hiện đại hóa dịch vụ y tế mà còn mang lại nhiều tiện ích cho cả bệnh viện và người khám chữa bệnh.
Theo Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ ngày 3/2/2023 của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, một trong những ưu tiên hàng đầu là việc chuyển đổi số y tế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Bệnh viện Nhi đồng 2 đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm thực hiện các mục tiêu này, bao gồm việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, hồ sơ bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử, và đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến.
Bên cạnh các giải pháp tài chính thuận ích, ngân hàng đã cung cấp giải pháp thanh toán thông minh qua thiết bị SmartPos, được tích hợp sẵn các tính năng thanh toán bằng mã QR. Dịch vụ này mang lại nhiều lợi ích quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả cũng như sự minh bạch trong quản lý tài chính và hoạt động của bệnh viện. Đồng thời mang lại sự thuận tiện trong việc giảm thiểu quy trình xác nhận thanh toán, tối ưu hóa quy trình tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và phân tích dòng tiền.
Người khám, chữa bệnh sẽ trải nghiệm sự tiện lợi vượt trội khi sử dụng giải pháp thanh toán này. Người bệnh không cần phải mở tài khoản ngân hàng, và có thể thanh toán một cách dễ dàng vào bất kỳ thời điểm nào và từ bất kỳ đâu. Điều này giúp tiết kiệm thời gian đáng kể, hạn chế việc phải xếp hàng chờ đợi như trước đây. Gải pháp này đã được MSB triển khai tới nhiều bệnh viện, doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh khác, giúp đơn giản hóa quy trình thu hộ, giảm thiểu chi phí quản lý tài chính và nâng cao khả năng quản lý dòng tiền, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và đối tác trong việc thực hiện thanh toán.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, nền kinh tế số trên toàn hệ thống.