Giá vàng giảm sốc, chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư bán vàng giữ vốn Giá vàng năm 2024 sẽ diễn biến ra sao? Nhà đầu tư thận trọng dù giá vàng bất ngờ vọt tăng sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch |
Thời điểm 15h30 chiều ngày 3/1/2024, giá vàng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn - SJC niêm yết chiều mua vào ở mức 72,5 triệu đồng/lượng mua vào và 75,5 triệu đồng/lượng bán ra. Chênh lệch giá mua bán tại đơn vị này đang là 3 triệu đồng.
Giá vàng SJC niêm yết tại Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn. Ảnh chụp website màn hình lúc 16h chiều 3/1/2024 |
Cùng thời điểm, giá vàng SJC được DOJI niêm yết ở mức 72,4 triệu đồng/lượng mua vào và 75,5 triệu đồng/lượng bán ra. Chênh lệch giá mua bán tại DOJI hiện ở mức 3,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC niêm yết tại DOJI. Ảnh chụp website màn hình lúc 16h chiều 3/1/2024 |
Với mức chênh lệch giá mua - bán vàng cao như hiện nay, nhà đầu tư đang chịu rủi ro rất lớn. Nếu mua - bán vàng ngay trong chiều nay 3/1/2024, nhà đầu tư lập tức lỗ 3 triệu đồng/lượng.
Chị Minh Hằng (Long Biên, Hà Nội) - một nhà đầu tư trên thị trường vàng cho biết, đầu tư vàng trong giai đoạn này đối diện với nguy cơ rủi ro rất cao khi chênh lệch giá mua - bán vàng trong nước ở ngưỡng cao. "Có thời điểm, chênh lệch giá mua bán vàng trong nước lên tới 6 triệu đồng/lượng. Chỉ cần mua vào - bán ra cùng thời điểm, nhà đầu tư thua lỗ rất lớn" - chị Minh Hằng chia sẻ và đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư khác, thời điểm này nên thận trọng khi bỏ tiền để mua vàng dự trữ. Các nhà đầu tư nên theo dõi sát thị trường giá vàng trong nước và quốc tế để có những quyết định phù hợp, tránh thua lỗ.
Chỉ trong tháng 12/2023, giá vàng miếng SJC tăng tới 8-9%. Ngày 26/12/2023, dù giá thế giới biến động nhẹ, nhưng mỗi lượng vàng miếng SJC trong nước tăng tới 4 triệu đồng, lập đỉnh đến 80,3 triệu đồng lượng. Tuy nhiên mức kỷ lục này không giữ được lâu, giá vàng miếng sau đó lao dốc, đặc biệt sau công điện của Thủ tướng yêu cầu điều hành giá vàng trong nước sát thế giới.
Đầu tư vào vàng SJC sẽ có nhiều rủi ro khi chênh lệch giá mua bán quá cao. Ảnh minh họa |
Hôm nay 3/1/2024, tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024, liên quan đến quản lý thị trường vàng, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã thông tin hướng sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Theo ông Tú, từ khi Nghị định 24 ra đời và trong suốt quá trình triển khai thực hiện, Nghị định đã thực hiện tốt mục tiêu chống vàng hóa trong nền kinh tế, không để thị trường vàng ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là điều hành về lãi suất và tỉ giá.
"Nghị định 24 ra đời cách đây 11 năm và giờ đây đã đến lúc cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với tình hình hiện tại" - ông Tú thông tin và cho rằng, đối với câu chuyện chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng độc quyền quốc gia, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đánh giá, phân tích để xem vàng miếng SJC liệu còn phát huy tính hiệu quả không trong việc thực hiện sứ mệnh của nó nữa hay không.
Ông cho rằng, cho dù việc sửa Nghị định 24 theo hướng là hủy bỏ vai trò độc quyền của vàng miếng SJC hay bổ sung thêm nhiều doanh nghiệp khác cùng tham gia vào thị trường vàng miếng thì mục tiêu cuối cùng vẫn là làm sao để thị trường vàng miếng không ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô.
"Tôi khẳng định một lần nữa, Nhà nước không khuyến khích hoạt động kinh doanh vàng miếng và cũng không bảo hộ cho giá cả của vàng miếng. Nhưng ngược lại, Ngân hàng Nhà nước cũng không chấp nhận việc chênh lệch quá lớn giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới lên tới mức gần 20 triệu đồng/lượng như trong thời gian vừa qua. Đồng thời cũng không chấp nhận chênh lệch quá lớn giữa vàng miếng SJC với các loại vàng nhẫn 9999 lên đến trên 10 triệu đồng/lượng" - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin tại họp báo.