Trữ lượng than ở Lào rất lớn
Theo Bộ Năng lượng và Mỏ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, thời gian qua chính phủ Lào và Tập đoàn Phonesack đã tiến hành khảo sát đánh giá trữ lượng than tại tỉnh Sekong - Lào. Kết quả khảo sát cho thấy, trữ lượng than đá tại tỉnh Sekong là rất lớn, khoảng 1 tỷ tấn (đặc biệt là mỏ than Kà Lừm có trữ lượng hơn 670 triệu tấn đã đi vào khai thác công nghiệp). Để khai thác nguồn trữ lượng dồi dào này, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã có văn bản đề nghị phía Bộ Công Thương Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện để Tập đoàn Phonesack đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu than đá qua cửa khẩu để vận chuyển về các cảng biển Việt Nam. Về phía Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu than của Lào và nhu cầu nhập khẩu than về Việt Nam, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình hành động rất hiệu quả để kết nối thông tin giữa các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam với tập đoàn Phonesack để thúc đẩy hợp tác mua bán than giữa hai nước.
Hiện nay, việc vận chuyển than từ mỏ Kà Lừm (tỉnh Sekong) về các cảng biển Việt Nam chủ yếu qua cửa khẩu Quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị để cung cấp cho các dự án công nghiệp, năng lượng trong nước và xuất khẩu sang nước thứ 3. Tuy nhiên, đường vận chuyển than phải đi qua quốc lộ 15D (đoạn Quốc lộ 15D qua cửa khẩu La Lay) có nhiều đèo dốc không thuận tiện cho việc vận tải bằng xe có trọng tải lớn và thường xuyên ách tắc, năng suất vận tải thấp không đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Than đá vận chuyển từ Lào về tập kết tại cảng Chân Mây, Thừa Thiên Huế |
Nhằm nâng cao năng suất vận chuyển tiêu thụ sản phẩm và giảm thiểu các rủi ro, cần phải đầu tư hệ thống vận tải có tính ưu việt, hình thức vận chuyển phù hợp hơn để đảm bảo tính hiệu quả, bảo vệ môi trường, tránh hư hỏng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Do đó, giải pháp xây dựng đường ống áp lực hoặc băng tải vận chuyển than là vô cùng cần thiết và cấp bách.
Đầu tư băng tải than xuyên biên giới
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ than đá của Việt Nam khoảng 97 triệu tấn/năm, dự kiến sẽ tăng từ 125 triệu tấn đến 127 triệu tấn đến năm 2030 mới đáp ứng cho các hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, luyện kim, sản xuất xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng… Tuy nhiên, hiện nay năng lực từ việc khai thác than trong nước chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thực tế. Với nhu cầu sử dụng than đá trong nước ngày càng tăng, việc đẩy mạnh nhập khẩu nguồn than từ các quốc gia khác, đặc biệt là từ nước bạn Lào là hết sức cần thiết cho sản xuất, công nghiệp hóa hiện nay.
Ngày 18/8, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thống nhất chủ trương cho phép Công ty cổ phần đầu tư PTS Viễn Đông (là nhà thầu vận chuyển than cho Tập đoàn Phonesack từ mỏ than Kà Lừm về cảng Chân Mây, Thuận An và cảng Cửa Việt) khảo sát, nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng hệ thống vận chuyển than đá xuyên biên giới Lào - Việt Nam bằng hình thức băng tải qua các cửa khẩu Hồng Vân - Cô Tài, A Đớt – Tà Vàng.
Theo đó, băng tải được xây dựng theo hình thức băng tải kín đi nổi trên cầu máng và hệ dầm, giàn thép. Điểm đầu tuyến tại khu vực Bản Cô Tài gần cửa khẩu Cô Tài - Hồng Vân, điểm cuối tuyến dự kiến tại kho bãi trung chuyển tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế để vận chuyển bằng đường bộ về cảng Mỹ Thủy, Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị) hoặc cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế). Chiều dài toàn tuyến khoảng 115 – 133km, được vận hành bằng nguồn điện. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng, được chia thành ba đoạn, hoàn thành sau 2 năm.
Đoạn 1 (kinh phí khoảng 805 tỷ đồng), nhà đầu tư sẽ xây dựng tuyến băng tải dài 12-15 km từ kho bãi trung chuyển bản Cô Tài đến kho bãi trung chuyển cửa khẩu Hồng Vân, huyện A Lưới, gần đường Hồ Chí Minh. Tổng diện tích đất sử dụng khoảng 30 ha, gồm đường băng tải và bãi hạ tải kho vận. Đoạn 2 (khoảng 1.800 tỷ đồng), nhà đầu tư xây dựng tuyến băng tải dài 25-30 km từ cửa khẩu Hồng Vân đến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, đi qua huyện A Lưới và huyện Phong Điền về bãi tập kết than tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Tổng diện tích đất sử dụng khoảng 40 ha. Đoạn 3 (khoảng 5.400 tỷ đồng), nhà đầu tư xây dựng tuyến băng tải dài 75-85 km từ mỏ than Kà Lừm, tỉnh Sekong (Lào) đến cửa khẩu A Đớt, huyện A Lưới. Tổng diện tích đất sử dụng khoảng 70 ha.
Hiện nay, năng lực tiếp nhận than đá tại cảng Chân Mây khoảng 2 triệu tấn/năm |
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu trong quá trình khảo sát, nghiên cứu dự án, Công ty cổ phần đầu tư PTS Viễn Đông cần đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan (gồm cả Việt Nam vàLào); lưu ý về hướng tuyến và công nghệ giảm thiểu tác động đến môi trường, đất rừng… Ngoài ra, đề nghị Công ty cổ phần đầu tư PTS Viễn Đông nghiên cứu thêm tuyến đường ống từ cửa khẩu A Đớt về huyện Nam Đông (theo tuyến đường tỉnh 74) trong giai đoạn 3.
Hiện nay tuyến vận chuyển từ mỏ than Kà Lừm về cảng Chân Mây bằng đường bộ chủ yếu trên hai hướng tuyến. Tuyến đường từ cửa khẩu Quốc tế La Lay qua đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, qua Quốc lộ 9 và đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn về cảng Chân Mây; Tuyến đường từ cửa khẩu Quốc tế La Lay qua đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, qua Quốc lộ 49 và đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn về cảng Chân Mây.
Công ty cổ phần cảng Chân Mây cho biết, cảng Chân Mây hiện có khả năng tiếp nhận khoảng 2 triệu tấn/năm. Trường hợp đầu tư hoàn thành các kho bãi theo quy hoạch đã được phê duyệt thì có khả năng tiếp nhận hàng hóa qua cảng khoảng 5-6 triệu tấn/năm.
Theo báo cáo của Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị, số lượng than tiêu thụ và nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn đạt 514.014 tấn. Tổng tiền thuế nộp ngân sách hơn 247 tỷ đồng.