Thủ tướng khảo sát 3 dự án công nghiệp, cao tốc, sân bay trọng điểm tại Cà Mau Nghệ An: Thu hút dự án FDI sản xuất linh kiện ô tô thông minh 115 triệu USD |
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có Công văn số 1763/UBND - KT gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải về Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) và đoạn nối đến cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam sẽ được đầu tư với tổng vốn 11.179 tỷ đồng, theo hình thức BOT.
Đầu tư gần 11.200 tỷ đồng cho Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng Lạng Sơn |
Dự án có tổng chiều dài khoảng 59,87km, bao gồm Tuyến Cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị -Chi Lăng, chiều dài khoảng 43,43km (điểm đầu tại km 1 + 800, lý trình Quốc lộ 1 kết nối với đường vào Cửa khẩu Hữu Nghị, thuộc địa phận thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc; điểm cuối tại Km44 + 749,67, lý trình Tuyến Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng) và tuyến kết nối Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Cốc Nam, chiều dài khoảng 16,44km.
Dự kiến, trong quý 1/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án.
Tổng mức đầu tư dự án 11.179 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư có trách nhiệm huy động 6.179 tỷ đồng. Khoảng 5.000 tỷ đồng còn lại là vốn nhà nước trong dự án đối tác công tư (PPP); trong đó ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 2.500 tỷ đồng, sử dụng hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng công trình tạm cho toàn bộ dự án.
Tuyến Cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được thiết kế với vận tốc 100 km/giờ; tuyến kết nối Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Cốc Nam được thiết kế với vận tốc 80 km/giờ.
Giai đoạn hoàn chỉnh, Tuyến Cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m; giai đoạn phân kỳ, đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m.
Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 22m; giai đoạn phân kỳ, đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 14,5m.
Trên toàn tuyến sẽ xây dựng 5 trạm thu phí, gồm 2 trạm đặt trên tuyến chính của cao tốc và 3 trạm đặt trên tuyến nhánh tại các nút giao và điểm ra vào cao tốc, phù hợp với hình thức thu phí tự động không dừng...
Dự án Tuyến Cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư xây dựng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; kết nối với đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng phê duyệt dự án.
Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng được quy hoạch nối thông với cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (Lạng Sơn) để hình thành tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị phục vụ lưu thông hàng hóa qua biên giới Việt - Trung và phát triển kinh tế xã hội ở các tỉnh Đông Bắc.
Dự án này góp phần từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ cao tốc của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030.