Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tạo điều kiện và phân bổ nguồn lực cho Bình Định phát triển Tàu cá Bình Định va chạm tàu hàng, 1 ngư dân mất tích |
Dấu tích đó nằm ở địa phận xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định 27 km về hướng Tây Bắc đó là Thành Đồ Bàn sau gọi là Thành Hoàng Đế.
Bia di tích Thành Hoàng Đế |
Các dữ kiện lịch sử cho thấy, cuối thế kỷ thứ X, đầu thế kỷ XI, khi dời đô từ Đồng Dương (Quảng Nam) về phía Nam, Vương triều Champa đã quyết định chọn Đồ Bàn làm kinh đô mới. Văn bia Champa gọi là Kinh đô Vijaya, sử Việt thời Lê gọi là Thành Chà Bàn, còn sử liệu sau này gọi là Thành Đồ Bàn.
Từ đó đến cuối thế kỷ 15, Thành Đồ Bàn trở thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa, tôn giáo, kinh tế phồn thịnh của Vương quốc Champa. Năm 1471, sau khi Vua Lê Thánh Tông đem quân chinh phục Champa, đã sát nhập vùng đất Bình Định vào lãnh thổ của Đại Việt.
Hai con Voi ở cổng Thành Hoàng Đế |
Đến thế kỷ 18, khi cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn (do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo) nổ ra, Thành Đồ Bàn được Nguyễn Nhạc chọn làm đại bản doanh và cũng là nơi Nguyễn Nhạc chọn làm kinh đô khi lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Thái Đức. Từ đây, Thành Đồ Bàn chính thức mang tên Thành Hoàng Đế.
Cổng Thành Đồ Bàn |
Năm 1802, triều đại Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long, đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Năm 1805, nhà Nguyễn cho lập lăng Võ Tánh ngay trên nền điện Bát Giác của Thành Hoàng Đế và dùng lầu Bát Giác làm nơi hương khói gọi là Bát Giác lầu.
Hoa sứ (hoa Đại) được trồng trong khuôn viên khu di tích |
Đến năm 1815, nhà Nguyễn cho triệt hạ hết các cung điện cũ của Thành Hoàng Đế, dỡ đá ong của thành cũ mang đi xây thành mới, trừ lầu Bát Giác được sửa sang lại làm Đền Song Trung thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu (sau này còn có tên gọi là Đền Chiêu Trung).
Thành Hoàng Đế có kiến trúc hình chữ nhật, gồm ba vòng thành: Thành Ngoại, Thành Nội và Tử Cấm Thành.
Thành ngoại có chu vi 7.400m, hiện nay phần còn lại của tường thành cao từ 3 – 6m, trên mặt bờ thành phía Nam còn lưu giữ hai thanh đá cắm thẳng đứng cao 3m.
Thành nội còn được gọi là Hoàng Thành, có hình chữ nhật, với chu vi 1.600m, dài 430m, rộng 370m. Những dấu vết còn lại cho thấy tường thành được xây bằng đá ong và đắp đất, có 3 cửa ở 3 mặt Nam, Đông, Tây, cửa chính hướng về phía Nam gọi là cửa Tiền. Trước cửa Tiền hiện còn hai tượng voi đá gồm một voi đực và một voi cái mang yếu tố nghệ thuật Champa.
Đường vào Lầu Bát giác |
Linh vật rồng trang trí trên lầu Bát giác |
Bên trong Thành nội là Tử Cấm Thành cũng có hình chữ nhật với chu vi 600m, dài 174m, rộng 126m, cửa chính quay về hướng Nam, gọi là Nam Lâu. Tường thành đắp đất và đá ong hai mặt dày 1,5m, bờ tường cao nhất hiện còn khoảng 3m. Nơi đây hiện còn lưu giữ 3 tượng sư tử đá có niên đại từ thế kỷ XII; hai hồ bán nguyệt (thủy hồ) dài 17m, rộng 10m và sâu 1,6m; lầu Bát Giác và khu lăng thờ hai viên quan nhà Nguyễn chết ở đây là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.
Khu mộ của quan viên nhà Nguyễn |
Với chu vi 7.400m, thành Hoàng Đế được xem là có quy mô lớn nhất trong hệ thống thành cổ Việt Nam còn đến nay. Nơi này được coi là "thắng địa", có vị trí cao thoáng, lấy núi Mò O làm tiền án phía Đông, núi Tam Sơn làm lá chắn phía Nam, phía Tây là những dải đồi thấp nối tiếp nhau trải dài tạo tấm lá chắn giăng trước lũy.
Ba mặt thành, phía xa là các dòng sông uốn lượn như hào tự nhiên che chắn. Thành được xây dựng trên thế đất hội tụ núi sông liền kề, liên kết điệp trùng, vừa có thế công vừa có thế thủ.
Vào ngày 24/12/1982, Thành Hoàng Đế đã được Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia.