Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (tính từ ngày 29/1 đến 5/2), các hệ thống cảnh báo, giám sát an toàn không gian mạng đã ghi nhận và hướng dẫn cơ quan, tổ chức khắc phục hơn 240 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam.
Ảnh minh họa. |
Trong số hơn 240 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, số cuộc tấn công lừa đảo (phishing) chiếm gần 74% với gần 180 cuộc.
Hơn 60 cuộc tấn công cài mã độc (malware) và chỉ có 1 cuộc tấn công thay đổi giao diện (deface).
Ngoài ra, Cục An toàn thông tin cũng đã tiếp nhận hơn 500 phản ánh về tin nhắn rác qua đầu số 5656 và đã yêu cầu nhà mạng chặn hơn 9.679.600 tin nhắn rác.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tháng 1 đã ghi nhận và hướng dẫn khắc phục 1.383 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam.
Cụ thể, trong số 1.383 sự cố, có 197 cuộc tấn công giả mạo (phishing), 125 cuộc tấn công thay đổi giao diện (deface), 1.061 cuộc mã độc (malware), tăng 10,29% so với tháng 12/2021.
Tháng 1 cũng ghi nhận số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 879.342 địa chỉ, giảm 9,29% so với tháng 12/2021.
Nguyên nhân số cuộc tấn công mạng vẫn tăng so với tháng trước là do tháng 1 là tháng cuối năm âm lịch 2021 và số ca mắc mới Covid-19 vẫn gia tăng nhiều tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, cũng như diễn biến lây lan nhanh của biến thể Covid-19 Omicron. Do vậy, các đối tượng tấn công mạng đã lợi dụng sự quan tâm của toàn xã hội đối với tình hình dịch bệnh Covid-19, việc tiêm vaccine liều tăng cường thứ 3 để tăng cường tấn công mạng, phát tán, lây nhiễm mã độc, lừa đảo nhằm chiếm đoạt, phá hoại thông tin của người dùng cũng như của tổ chức.
Trong tháng 1, lĩnh vực ATTT đã ghi nhận tổng doanh thu 134,3 tỷ đồng, tăng 12%, tăng 3 doanh nghiệp (DN) ATTT so với cùng kỳ tháng 1/2021 với 91 DN.