Nhà đầu tư Trung Quốc, EU “săn tìm” bất động sản công nghiệp Việt Nam Doanh nghiệp Trung Quốc: Môi trường đầu tư Việt Nam ngày càng hấp dẫn Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 28,544 tỷ USD |
Đầu tư từ doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam có sự đang gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây, để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Hà Gia Kế - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Doanh nghiệp Quảng Tây (thuộc Hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam).
Ông Hà Gia Kế - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Doanh nghiệp Quảng Tây, thuộc Hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Hoà) |
Nhiều nhận định cho rằng, đang có một làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Đúng là đang có một làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo tôi, có rất nhiều lý do để Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Trước tiên phải khẳng định Việt Nam là một thị trường phát triển ngày càng mạnh, tăng trưởng kinh tế tăng cao và ổn định trong một thời gian dài. Cùng với đó là chính trị ổn định, nguồn nhân lực ngày càng được cải thiện và chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam thời gian qua cũng khá cởi mở và minh bạch.
Làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam còn được thúc đẩy bởi xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như việc thị trường châu Âu và Hoa Kỳ áp thuế cao với những sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam lại tham gia rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do, việc doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư sang Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và Hoa Kỳ cũng như một số quốc gia khác trên thế giới.
Đâu là lĩnh vực doanh nghiệp Trung Quốc đang tập trung đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, thưa ông?
Có rất nhiều lĩnh vực tại Việt Nam đang được các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm, trong đó nổi bật là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể là công nghiệp phục vụ cho chuỗi cung ứng linh kiện điện tử. Bởi trước đây, các tập đoàn điện tử lớn trên thế giới đầu tư tại Trung Quốc, sau đó một số đã dịch chuyển sang Việt Nam đầu tư, nên một số doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng cũng phải dịch chuyển theo, do đó điện tử đang là ngành trọng điểm đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam.
Bên cạnh công nghiệp phục vụ trong lĩnh vực linh kiện điện tử, sản phẩm năng lượng mới như năng lượng mặt trời và logistics cũng là lĩnh vực đang được cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam. Bởi đây cũng là những lĩnh vực Việt Nam đang quan tâm thúc đẩy, đồng thời cũng là lĩnh vực mà doanh nghiệp Trung Quốc có thế mạnh.
Đang có một làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam (Ảnh: Khánh Linh) |
Theo ông, về lâu dài, Việt Nam cần làm gì để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng?
Môi trường đầu tư tại Việt Nam đang có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn còn những “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ, trong đó phải nói đến chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam được đánh giá cởi mở, tuy nhiên trong quá trình thực thi lại thiếu sự nhất quán, thống nhất giữa các địa phương, điều này gây trở ngại cho nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện, triển khai dự án tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, chi phí logistics của Việt Nam hiện nay vẫn rất cao, điều này cũng làm tăng chi phí của nhà đầu tư khi triển khai dự án tại đây. Theo đó, để tăng sức hấp dẫn, Việt Nam nên tính đến hạ giá thành logistics.
Ngoài ra, chi phí thuê nhà xưởng tại Việt Nam hiện cũng đang có xu hướng gia tăng, nhất là tại những địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, vì thế nhà đầu tư Trung Quốc, trong đó có cả những tập đoàn lớn đã đầu tư tại Việt Nam đang có xu hướng tìm đến những địa phương khác tại phía Bắc Việt Nam đang trong quá trình kêu gọi đầu tư và có những chính sách hấp dẫn về đất đai, thuế và chính sách thu hút đầu tư thông thoáng mà chi phí lại rẻ hơn.
Xin cảm ơn ông!
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 7/2024, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.750 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 28,544 tỷ USD, tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đa số với 2.630 dự án, có tổng vốn đăng ký hơn 22,7 tỷ USD. Tiếp theo là lĩnh vực điều hòa với 7 dự án, có tổng vốn đầu tư đăng ký 2,22 tỷ USD; lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 92 dự án, có tổng vốn đăng ký 1,359 tỷ USD… Địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư từ Trung Quốc nhất là Tây Ninh, với 104 dự án, có tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 4,82 tỷ USD; tiếp đến là Bắc Giang với 183 dự án, có tổng vốn đăng ký 2,278 tỷ USD và Bình Thuận, 9 dự án với tổng vốn đăng ký 2,039 tỷ USD. Trong khi đó, theo ông Gu Chao Qing – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, hiện Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam có hơn 4.000 hội viên, hoạt động khắp các tỉnh, thành của Việt Nam, từ miền Bắc, miền Trung, đến miền Nam. |