Dịch sốt xuất huyết tăng mạnh: Hà Nội thêm 1 trường hợp tử vong Hà Nội có thêm 72 ổ dịch sốt xuất huyết, số ca nhiễm mới tăng mạnh |
Các giai đoạn của sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết nhẹ: Thường xuất hiện ở người lần đầu tiên mắc bệnh, vì chưa có miễn dịch với virus dengue. Đây là mức độ có các triệu chứng điển hình và không gây biến chứng nguy hiểm.
Bệnh thường khởi phát với triệu chứng sốt, kéo dài trong vòng 4 - 7 ngày tính từ khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Ngoài ra, các triệu chứng khác cảnh báo bệnh như sốt cao, lên đến 40,5 độ C; đau đầu nghiêm trọng; đau phía sau mắt; đau khớp và cơ; buồn nôn và ói mửa; phát ban.
Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3 - 4 ngày sau khi bắt đầu sốt |
Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3 - 4 ngày sau khi bắt đầu sốt và thuyên giảm sau 1-2 ngày. Người bệnh có thể bị nổi ban lại vào ngày sau đó.
Sốt xuất huyết nặng: Ở mức độ này, các dấu hiệu sốt xuất huyết bao gồm tất cả các triệu chứng của dạng sốt xuất huyết nhẹ kèm theo tổn thương ở mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Cấp độ bệnh này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, cần điều trị khẩn cấp, thậm chí gây tử vong.
Sốc sốt xuất huyết: Là mức độ nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết, bao gồm tất cả các triệu chứng sốt xuất huyết nhẹ cộng với triệu chứng chảy máu và hiện tượng huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp).
Thể bệnh này thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi trẻ em và người lớn đã có miễn dịch chủ động do đã từng mắc bệnh; hoặc thụ động do mẹ truyền sang đối với một loại kháng nguyên virus. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 - 5 ngày (giai đoạn hạ sốt).
Sốc sốt xuất huyết thường phổ biến ở trẻ em, tỷ lệ nhỏ ở người lớn. Bệnh có thể chuyển nặng nhanh chóng, gây suy đa cơ quan và tử vong nếu không được điều trị kịp thời, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Những biểu hiện sốc sốt xuất huyết
Mạch nhanh, nhỏ, khó bắt; huyết áp hạ (huyết áp tâm thu < 90mmHg hoặc giảm 30 mmHg so với HA nền hoặc huyết áp kẹt (huyết áp tâm thu - huyết áp tâm trương ≤ 20mmHg).
Bệnh nhân sốc còn có những triệu chứng khác như lạnh đầu chi, nổi vân tím, thiểu niệu (lượng nước tiểu < 20ml/h);
Biểu hiện xuất huyết, bao gồm: Xuất huyết trên da dạng đầu đinh ghim trên nền da xung huyết, bầm tím nơi tiêm hoặc nơi lấy máu; xuất huyết niêm mạc gây chảy máu mũi, chảy máu chân răng; xuất huyết nội tạng như chảy máu tiêu hóa, xuất huyết não, chảy máu phổi hoặc chảy máu trong cơ…
Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, triệu chứng của sốt xuất huyết xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.
Ở nước ta hiện lưu hành 4 tuýp virus Dengue (D1, D2, D3 và D4) gây dịch sốt xuất huyết Dangue. Bệnh chưa có vắc xin và không có miễn dịch chéo, do đó một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên người mắc bệnh trước đó, năm nay vẫn có thể mắc lại. Người bệnh cũng trở thành nguồn lây truyền bệnh nếu sơ ý để muỗi đốt người bệnh sốt xuất huyết rồi lại đốt người khỏe mạnh.
Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết
Ưu tiên bù nước bằng đường uống, trong đó nhất là sử dụng nước có chứa điện giải, ngoài ra người bệnh có thể uống thêm nước dừa, nước cháo, muối, nước hoa quả...; chế độ ăn mềm, nhẹ, nên chia thành nhiều bữa nhỏ (ưu tiên ăn cháo, súp, phở...); không sử dụng nước có ga hoặc có màu, đồng thời không ăn thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ.
Bệnh nhân sốt xuất huyết dấu hiệu cảnh báo nên nghỉ ngơi tại giường và hạn chế vận động mạnh.
Dự phòng sốt xuất huyết bằng các cách: Sử dụng lưới chống muỗi và máy điều hòa tại nhà; mặc áo dài tay và quần dài, mang tất và giày; sử dụng thuốc đuổi muỗi trên da và quần áo. Trong đó ưu tiên thuốc đuổi muỗi có chứa chất DEET (diethyltoluamide); sử dụng mùng màn ngăn muỗi đúng cách khi nghỉ ngơi, ngay cả ban ngày. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng loại mùng màn tẩm hóa chất diệt côn trùng...
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có được tắm không? Theo các chuyên gia, bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn có thể tắm bình thường, tuy nhiên cần lưu ý: Không tắm quá lâu, tuyệt đối không tắm bằng nước lạnh mà nên tắm với nước ấm. Khi tắm bằng nước lạnh, mạch ngoài da co lại và mạch nội tạng giãn ra sẽ làm tăng nguy cơ tử vong. Trong trường hợp gội đầu cần sấy khô ngay, nếu để tóc ẩm quá lâu, cơ thể sẽ bị nhiễm lạnh. Trường hợp bị hạ tiểu cầu, khi tắm không được kỳ cọ, chà xát quá mạnh để phòng tránh nguy cơ chảy máu dưới da.
Cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức khi xuất hiện các triệu chứng trở nặng sau: Giảm thân nhiệt mạnh (bình thường nhiệt độ cơ thể là khoảng 37 độ C); hạ thân nhiệt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể dưới 35 độ C; đau bụng dữ dội; nôn mửa; chảy máu lợi; nôn ra máu; thở gấp; mệt mỏi, ly bì chán chường; đau đầu chóng mặt. |