Đáng chú ý sau các phiên đấu giá quyền sử dụng đất này diễn ra các đám “cò” đất sẽ dựng bàn, dựng ô xuyên đêm để sẵn sàng sang nhượng lô đất vừa “trúng” đấu giá với mức chênh hàng trăm triệu đồng, ngõ hầu nối dài “truyền thuyết” cho nghề môi giới đất là luôn giàu chỉ sau một đêm.
Những “cò” đất này hoàn toàn không quan tâm đến giá trị thực cũng như sự phát triển lành mạnh của thị trường mà cốt sao “lướt sóng, bán lúa non” để thu lời. Và khi sở nguyện không được như ý, khi chủ đất dừng bán thì các đám “cò” đất này cũng lặn mất tăm, sẵn sàng bỏ khoản tiền đã đặt cọc.
Điều khôi hài là cách không xa nơi có các lô đất được đấu giá tại huyện Hoài Đức của Hà Nội là hàng trăm căn hộ của các khu đô thị vẫn bỏ hoang để cỏ mọc từ nhiều năm nay. Ngay chính những khu vực được đấu giá như vừa qua có thể nói chất đô thị còn ít, cũng không phải là nơi có thể dễ dàng làm ăn, nếu mua lại rất có thể ôm một cục nợ mà không biết đến bao giờ mới hoàn vốn.
Có chuyên gia cho rằng không loại trừ khả năng mượn tay “cò” đất để tạo giá ảo ở khu vực, thậm chí là kích sóng thị trường, cũng như bắt thị trường bất động sản làm con tin cho những ý đồ tạo sóng.
Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 quy định chi tiết về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản tại điều 61. Theo đó kể từ ngày 1/8/2024, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản sẽ không được hành nghề tự do mà phải hành nghề trong doanh nghiệp thay vì chỉ cần có chứng chỉ hành nghề và đăng ký nộp thuế như trước đây là có thể "tung hoành" trên thị trường!
Về quản lý hoạt động của môi giới bất động sản, Điều 81 Luật kinh doanh bất động sản 2023 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý hành nghề môi giới bất động sản, hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản và dịch vụ bất động sản khác trong phạm vi của địa phương. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản theo thẩm quyền do pháp luật quy định và theo sự phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên.
Cần có các chế tài đấu tranh với hiện tượng lũng đoạn thị trường bất động sản. Ảnh minh hoạ. |
Liên quan đến vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, đất đai là tài sản đặc biệt quan trọng, được xếp vị trí đầu tiên trong số các loại tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý (Điều 53 Hiến pháp). Với việc Luật Đất đai 2023 được thông qua, những quyền năng cơ bản liên quan trực tiếp đến đất đai trong đó có quyền định đoạt giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường được khẳng định theo các phương pháp khoa học. Đó là điều được pháp luật công nhận và bảo vệ.
“Việc triển khai thực hiện vào những ngày đầu luật có hiệu lực có thể hiểu như là sự thử nghiệm hay thí điểm tác động của luật và năng lực quản trị, bảo vệ các quy định pháp lý của các cơ quan có liên quan nhất là cơ quan hành pháp và tư pháp. Đồng thời, đây là cơ hội để hiểu cụ thể và đánh giá phản ứng của thị trường bất động sản hướng tới điểm cân bằng mới, chắc chắn không tránh khỏi những "rung lắc" khó đoán định, thậm chí chưa có tiền lệ”, vị chuyên gia này nói.
Cũng theo ông Lạng, một trong những điểm nhạy cảm hàng đầu là định giá quyền sử dụng đất sao cho bảo đảm phản ánh thực chất giá thị trường, hài hoà lợi ích giữa bên mua và bán và môi giới, tránh rung lắc hay biến động mạnh theo hướng tâm lý đám đông, gây nhiễu thông tin, giảm độ chính xác và tin cậy của các thông tin thu thập.
Vụ việc được coi là "cò" thổi giá đất trong các phiên đấu giá cũng chỉ là trường hợp thường thấy khi có sự thay đổi về hệ thống quy định pháp luật có tính cơ bản. Việc “cò” thổi giá đặt ra vấn đề về tính minh bạch thông tin thửa đất như vị trí, hệ thống giao thông, mật độ dân cư, tình trạng hạ tầng điện, nước, thiết chế văn hoá, y tế, trung tâm thương mại, chợ... Hiện tượng “cò” mồi thổi giá cho thấy một lỗ hổng trong quản lý cả cung, cầu của thị trường. Từ việc “cò” thổi giá cũng đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện cơ chế để minh bạch thông tin, quy trình đấu giá quyền sử dụng đất cũng như cần có chế tài nghiêm minh để tránh tình trạng gây nhiễu thị trường, gây khó trong định giá phù hợp, gây lãng phí thời gian và tài sản.
“Cần phát huy vai trò đội ngũ môi giới chuyên nghiệp và cần điều tra để hiểu rõ tác nhân chính “cò” thổi giá để xử lý nghiêm, thiết lập trật tự thị trườnng và bảo đảm tính lành mạnh cao nhất có thể. Sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ cơ sở và đối tượng hữu quan nhằm chống lũng đoạn giá là rất cần thiết”, ông Nguyễn Thường Lạng nói.