Khai thác cát, sỏi còn nhiều bất cập |
Quy hoạch chưa rõ ràng
Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - cho biết, đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được quy định trong Luật Khoáng sản 2010, cụ thể hóa tại Nghị định 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, trong số 755 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông được UBND 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp phép cho các tổ chức, cá nhân, mới có 87 giấy phép cấp thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, chiếm 11,5%.
Đáng nói hơn, các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa hoạt động nạo vét, duy tu luồng lạch có thu hồi sản phẩm nạo vét là cát, sỏi, thời gian qua phần lớn chỉ quan tâm nạo vét khu vực có cát, sỏi. Hơn thế, việc không có sự rõ ràng trong quy hoạch, cấp phép khai thác đã khiến nhiều người lợi dụng để khai thác cạn kiệt tài nguyên. Tình trạng "cát tặc" diễn ra phổ biến, gây sụt lún bề mặt địa hình, sạt lở bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; giảm thu ngân sách cho địa phương…
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều vụ khai thác cát, sỏi trái phép lớn, tập trung ở những điểm "nóng" như Hải Dương, Nghệ An, Quảng Bình…
100% dự án phải đấu giá
Cát, sỏi lòng sông là tài nguyên khoáng sản được xếp vào loại không tái tạo. Trong khi đó, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, rất cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ 6 dự án công trình giao thông trên địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã sử dụng đến 9,9 triệu m3 cát phục vụ san lấp. Do vậy, việc quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản này càng cấp bách. Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với các hoạt động liên quan đến cát, sỏi lòng sông; đồng thời, thống nhất nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương có liên quan đến quản lý cát, sỏi lòng sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Nghị định quản lý cát, sỏi lòng sông. Theo Dự thảo nghị định này, khai thác cát, sỏi dưới lòng sông đều phải đấu giá 100%, không khai thác tự do như trước. Bên cạnh đó, các dự án nạo vét lòng sông cũng sẽ đấu thầu, đơn vị nào muốn thực hiện đều phải thông qua hình thức này.
Ông Lại Hồng Thanh cho hay, việc công khai, minh bạch quá trình cấp phép hoạt động nạo vét thông qua hình thức đấu thầu chọn nhà thầu thi công và đấu giá khoáng sản thu hồi được (nếu có) sẽ giảm thiểu các hành vi tiêu cực, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương (thông qua thu hồi kinh phí từ đấu giá cát, sỏi).
Dự thảo Nghị định cũng phân cấp trách nhiệm theo địa giới hành chính của các cấp chính quyền địa phương; phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành liên quan như: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |