Nhiều tài liệu, hình ảnh lần đầu tiên ra mắt công chúng tại triển lãm |
Triển lãm được tổ chức hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp cũng như kỷ niệm 100 năm Nha lưu trữ và Thư viện Đông Dương (nay là Thư viện quốc gia, Hà Nội). Mục đích của triển lãm là giới thiệu những hình ảnh tiêu biểu mang đậm chất Pháp đã trở thành một phần của thủ đô Hà Nội. Triển lãm được bố cục thành 3 phần. Phần 1 có chủ đề “Từ một đô thị Á Đông đến một thủ đô mang dáng vẻ châu Âu”, phần 2 là “Sự tiếp nhận nền giáo dục phương Tây”, phần 3 là “Sứ mệnh gìn giữ ký ức của lưu trữ”.
Những hình ảnh tiêu biểu lựa chọn từ tài liệu lưu trữ góp phần khắc họa những ký ức đi cùng năm tháng về một thời kỳ lịch sử đặc biệt. Dấu ấn về những công trình kiến trúc dọc theo các con phố nhỏ được quy hoạch theo kiểu Pháp tạo nên một Hà Nội duyên dáng, vừa cổ kính vừa hiện đại. Bên cạnh đó những ngôi trường nơi chính sách giáo dục của chính quyền thuộc địa được thực thi luôn gợi nhớ tới một thời kỳ mang đậm dấu ấn Pháp. Những ngôi trường này hiện vẫn còn là một phần không thể thiếu trong hệ thống trường học ở Hà Nội hiện nay. Việc gìn giữ những di sản ký ức này cho mai sau là sứ mệnh của ngành lưu trữ hai nước.
Những ký ức quá khứ sống lại qua tài liệu lưu trữ |
Chia sẻ tại triển lãm, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, Việt Nam là một tấm gương tiêu biểu trong việc vượt qua những hệ lụy của lịch sử để mang lại mối quan hệ tốt với các quốc gia và văn hóa là một động lực tiêu biểu cho quá trình này. Theo ông Dương Trung Quốc, những tài liệu được trưng bày tại đây cho thấy trong giai đoạn lịch sử đặc biệt của quan hệ Việt Nam và Pháp, người Pháp tuy áp đặt hệ thống giáo dục thuộc địa tại Việt Nam song họ cũng rất quan tâm việc gìn giữ những nét của nền giáo dục truyền thống của Việt Nam mà không tạo sự đứt gãy trong việc chuyển biến. Đây là một kinh nghiệm rất đáng được quan tâm trong bối cảnh Việt Nam hiện đang thực hiện việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Thông qua những tài liệu hình ảnh được giới thiệu tại triển lãm, người xem có thể tìm hiểu được cội nguồn cũng như quá trình ảnh hưởng của văn hóa Pháp vào Việt Nam trên các lĩnh vực kiến trúc, giáo dục, ngôn ngữ, ẩm thực hay những ký ức từ quá khứ được gìn giữ và ngủ yên hàng trăm năm nay.