Dấu ấn tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân - Bài 1: Phát huy vai trò người đảng viên chân chính
Lễ kết nạp đảng viên tại Công ty CP Giày Đông Anh |
Quá khứ khó khăn
Nhìn cơ ngơi hoành tráng, số lượng cán bộ, công nhân, người lao động lên tới hơn 3.000 người, thực hiện sản xuất, gia công cho nhiều hãng giày nổi tiếng trên thế giới như Prada, Geox, Le Coq... với mức thu nhập khoảng trên 7 triệu đồng/tháng… không ai có thể tưởng tượng được những khó khăn, thách thức mà đơn vị đã trải qua cả một thời gian dài.
Trao đổi với đồng chí Đào Minh Hải - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Công Thương - tôi được biết, với sự quyết tâm, nỗ lực của những đảng viên chân chính như đồng chí Đăng, từ chỗ là một chi bộ không hoàn thành nhiệm vụ, Dafco đã hoàn thành nhiệm vụ và cao hơn là chi bộ trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu được Đảng ủy Bộ Công Thương khen thưởng. (Dafco là doanh nghiệp tư nhân nhưng do có "nguồn gốc" từ ngành Công Thương nên vẫn sinh hoạt tại Đảng bộ Bộ Công Thương - PV).
Sau lễ kết nạp trang trọng theo đúng nghi thức cho 4 đảng viên mới và thăm quan nhanh một số phân xưởng công ty, tôi bắt đầu câu chuyện với Bí thư Nguyễn Đức Đăng.
Bằng chất giọng chắc nịch, sôi nổi, đồng chí Đăng nhớ lại hành trình vượt khó. Tiền thân Dafco là Xí nghiệp Gia công giày xuất khẩu Đông Anh (100% vốn nhà nước) được thành lập từ năm 1994. Năm 2003, công ty thực hiện cổ phần hóa. Đến tháng 7/2005, Dafco hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 9,2 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước chiếm 45%, tương đương 4,14 tỷ đồng. Đại diện phần vốn nhà nước là người của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương). Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, sự tư lợi của một số cá nhân khiến người lao động bất bình, đình công tự phát cuối năm 2006, rồi đơn thư, kiện cáo... Hậu quả, một số lãnh đạo công ty bị cách chức, xử lý kỷ luật, khai trừ khỏi Đảng và bị bỏ tù. Phần vốn do Bộ Thương mại quản lý được chuyển cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Thời điểm chuyển đổi sang cổ phần và những năm tiếp theo, Ban lãnh đạo Dafco làm việc không hiệu quả, lợi nhuận không có, đời sống cán bộ, công nhân vô cùng khó khăn, mức thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Các cổ đông đấu đá nhau, kiện tụng, tranh giành quyền lãnh đạo, quyền kiểm soát công ty, dẫn đến khủng hoảng trầm trọng suốt từ năm 2006 đến 2014. Công ty bên bờ vực phá sản vì mâu thuẫn nội bộ; đối tác nước ngoài chán nản, công nhân không có việc làm, thu nhập bấp bênh nên "nhảy" việc (có thời điểm lên tới cả nghìn người).
Tâm huyết của người đảng viên
Với vai trò là một đảng viên, Bí thư Chi bộ, đồng chí Đăng đã phối hợp cùng công đoàn kiên trì, nỗ lực bằng đủ mọi cách, thậm chí đấu tranh với ban lãnh đạo và từng cá nhân nhằm từng bước giải quyết, xử lý vụ việc. Trước hết, để SCIC có thể tham gia vào HĐQT, sau đó, giải quyết mâu thuẫn nội bộ, mang lại quyền lợi cho người lao động và quyền lợi của đối tác.
"Tình hình lúc đó căng thẳng lắm, 3 bề 4 bên, vô cùng phức tạp và gian nan. Nếu không phải là đảng viên chân chính chắc không làm được" - đồng chí Đăng chia sẻ.
Đồng chí Nguyễn Đức Đăng (thứ hai từ phải sang) kiểm tra chất lượng sản phẩm |
Sau nhiều sóng gió, tháng 8/2014, với sự quyết tâm của các cổ đông, các ban, ngành của nhà nước và SCIC, công ty đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thành công. Đồng chí Nguyễn Đức Đăng được bầu làm Giám đốc điều hành rồi Chủ tịch HĐQT tháng 11/2015. Bằng nhiệt huyết, sự linh hoạt, sáng tạo, đoàn kết, dân chủ, đồng chí Đăng bắt đầu vực công ty từ đống đổ nát đi đến ổn định như ngày hôm nay.
Nói về những ngày đầu, đồng chí Đăng chia sẻ: Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là phải ổn định tổ chức, nhân sự; lo cho công nhân có việc làm ổn định, ăn no, ăn ngon rồi mới tính đến nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Thời điểm đó còn khó khăn lắm. Đường sá, nhà xưởng xuống cấp, không phù hợp với công năng sử dụng vì nhà xưởng xây dựng từ những năm 70. Công nhân đông, điều kiện sinh hoạt khó khăn.
"Bây giờ thì khác rồi, hạ tầng nhà xưởng sản xuất, đường sá, chỗ để xe đã được xây dựng mới. Công nhân được ăn ngon, nhà ăn khang trang, được lắp điều hòa. Công ty còn là đơn vị đầu tiên trong huyện mua dây chuyền sản xuất sữa đậu nành cải thiện sức khỏe công nhân" - đồng chí Bí thư hồ hởi.
Liên kết sức mạnh, phát huy dân chủ
Đồng chí Nguyễn Đức Đăng cho biết, doanh thu của doanh nghiệp lớn nhưng lợi nhuận chưa cao vì vẫn đang trong giai đoạn tái thiết. Hơn nữa, phải lo cho công nhân. "Muốn tăng lợi nhuận mà giảm lương thì được ngay, nhưng người lao động là yếu tố quan trọng nên phải lo cho họ trước. Lãnh đạo có thể phải thắt lưng buộc bụng chứ không để công nhân chịu chung hoàn cảnh với mình. Có như vậy họ mới yên tâm làm việc, gắn bó, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ" - Bí thư Đăng khẳng khái.
Qua gần 3 năm chèo lái với vai trò là người đứng đầu Chi bộ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Đức Đăng đã đưa công ty dần ổn định và có bước phát triển vượt bậc. Doanh thu năm 2016 đạt 380 tỷ đồng. Phấn đấu năm 2017 đạt trên 420 tỷ đồng. Mức thu nhập của cán bộ, công nhân viên đạt bình quân từ 7 - 7,5 triệu đồng/tháng; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thất nghiệp đóng đầy đủ. Các chế độ phúc lợi như nghỉ mát, quà tặng, lương tháng 13 vào dịp lễ, Tết được bảo đảm...
"Vậy bí quyết thành công của đồng chí là gì"? Tôi hỏi. Không một chút do dự, Bí thư Đăng đáp: "Yếu tố chính là con người. Mâu thuẫn hay phát triển đều do con người mà ra. Là người lãnh đạo, trước hết, phải có tâm và có tầm. Và phải là đảng viên, tham gia tổ chức Đảng".
Lý do mà Bí thư Đăng cho rằng phải là đảng viên, vì khi là đảng viên chắc chắn người đó phải trải qua nhiều cố gắng phấn đấu mới được kết nạp và đứng trong hàng ngũ của Đảng.
"Nói như vậy không có nghĩa người không tham gia tổ chức Đảng là người xấu nhưng cũng chưa chắc là người đó có tâm, có tầm. Phải có tâm, có tầm, tạo sự gắn kết mới làm nên kỳ tích. Kết quả mà Dafco đạt được hôm nay cũng nhờ vào sự chỉ đạo của Đảng ủy Bộ Công Thương, sự quyết liệt của Chi ủy, cùng sự đoàn kết của ban lãnh đạo công ty và cán bộ, công nhân viên để tạo thành một thể thống nhất, phát huy tinh thần dân chủ, cùng phấn đấu vì lợi ích chung" - Bí thư Đăng nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Đăng khẳng định: Đảng viên là người đứng mũi chịu sào, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tổ chức Đảng thực hiện vai trò dẫn dắt, tuyên truyền giáo dục, vận động, cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, liên kết thành sức mạnh, phát huy dân chủ, cùng nhau đưa doanh nghiệp đến thành công. một doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân mà có tổ chức Đảng sẽ tốt hơn là không có.
(Còn nữa)