Sau hơn 3 năm thẩm định hồ sơ, ngày 9/5/2022, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” chính thức được công bố bảo hộ tại Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây không chỉ là niềm vui lớn đối với những người làm chè trên địa bàn tỉnh mà còn là sự khẳng định vững chắc đối với uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị của chè Thái Nguyên, góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm ở vùng đất “Đệ nhất danh trà” trên thị trường quốc tế.
Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ tại 6 nước |
Với khoảng 22,3 nghìn ha, Thái Nguyên đang có quy mô diện tích chè lớn nhất cả nước. Sản lượng chè của tỉnh đạt trên 244 nghìn tấn, thu nhập bình quân đạt 270 triệu đồng/ha. Đặc biệt, sản phẩm chè Thái Nguyên đã có mặt tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và một số nước trên thế giới.
Đáng chú ý, trong nước vẫn là thị trường chính của chè Thái Nguyên với lượng gần 40.000 tấn. Giá tiêu thụ trong nước của chè Thái Nguyên luôn cao hơn các vùng chè khác và tương đối ổn định ở mức từ 120.000 - 220.000 đồng/kg chè thành phẩm loại trung bình; từ 280.000 – 450.000 nghìn đồng/kg chè xanh đặc sản; chè đặc sản cao cấp có giá từ 2.500.000 – 3.000.000 triệu đồng/kg.
Cùng với việc tập trung mọi nguồn lực để khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng của cây chè trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, những năm qua tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè Thái Nguyên được đặc biệt quan tâm.
Theo đó, tháng 8/2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” cho Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên. Đến năm 2018, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được đăng ký bảo hộ thành công tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Đến tháng 3/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại các nước Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau hơn 3 năm thẩm định hồ sơ, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được cơ quan sở hữu trí tuệ của 3 quốc gia này cấp văn bằng bảo hộ.
Bà Nguyễn Thị Ngà - Chủ tịch Hiệp hội chè Thái Nguyên - cho biết, việc nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ tại các thị trường Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh. Đồng thời, hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt nhãn hiệu tại thị trường quốc tế và mở ra nhiều cơ hội cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng, sản xuất và tiêu thụ chè.
“Việc mở rộng thị trường cũng đặt ra nhiều thách thức đối với những người làm chè Thái Nguyên, nhất là trong việc kiểm soát vùng nguyên liệu, số hóa quản lý sản xuất chè, đảm bảo tiêu chuẩn chè xuất khẩu và lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp theo nhu cầu của từng thị trường…” - Chủ tịch Hiệp hội chè Thái Nguyên cho hay.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu sản phẩm chè; xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và cải tiến mẫu mã, bao bì để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”. Đồng thời, xây dựng các chương trình, dự án cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). |