Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT PVI - trao quà cho các cháu học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú, Trường tiểu học và mầm non Sín Thầu, huyện Mường Nhé (tháng 1/2016) |
Thể hiện trách nhiệm cộng đồng, những năm qua, các đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp trong ngành Công Thương đã có sự hỗ trợ, đóng góp thiết thực vào công tác an sinh xã hội (ASXH), góp phần giúp người dân những vùng khó khăn trên cả nước nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng từng bước được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ xã hội cơ bản và nâng cao đời sống, thu nhập…
Đóng góp lớn vào công tác ASXH ngành Công Thương những năm qua phải nhắc đến “điểm sáng” là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên. Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tập đoàn và các đơn vị thành viên luôn chú trọng đến công tác ASXH, đặc biệt tập trung vào công tác đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ người nghèo, tài trợ công trình, nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng như giúp đỡ người dân ở địa phương trên cả nước. Đây là hành động vừa thể hiện trách nhiệm vì cộng đồng, tiếp nối truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc cũng như thể hiện ý thức, văn hóa truyền thống của người lao động dầu khí…
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xác định ASXH là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng năm của tập đoàn và đơn vị thành viên. Trong các năm, từ năm 2010 đến 2014, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hỗ trợ các địa phương; tổ chức triển khai công tác ASXH nói chung và công tác giảm nghèo nhanh bền vững nói riêng đạt 2.831 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ chương trình ASXH được tập trung theo các nội dung sau: “Nhà đại đoàn kết” - hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng được 41.956 căn nhà, với tổng số tiền tài trợ của các đơn vị thuộc tập đoàn là hơn 417.1 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 322 trường học, công trình giáo dục, với tổng số tiền tài trợ hơn 1.098 tỷ đồng; 152 bệnh viện, trạm y tế với tổng số tiền tài trợ 471,1 tỷ đồng; Chương trình đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ, thiên tai, từ thiện xã hội khác tổng số tiền tài trợ hơn 844 tỷ đồng…
Những chương trình trong công tác ASXH của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gắn chặt với nhiều địa phương, thôn bản khó khăn của vùng cao Tây Bắc như: Mù Cang Chải (Yên Bái), các huyện tại Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu…
Cũng là một “thương hiệu” trong công tác ASXH, những năm qua không chỉ chú trọng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) luôn quan tâm đến công tác ASXH.
Với đặc thù hoạt động kinh doanh xăng dầu, Petrolimex có các đơn vị thành viên ở tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều cửa hàng xăng dầu đặt tại vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn; kinh doanh xăng dầu luôn gắn bó mật thiết với từng địa phương. Công tác ASXH của Petrolimex thời gian qua gắn với nhiệm vụ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Bên cạnh đó, Petrolimex chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này. Petrolimex cũng tham gia chương trình hướng về biển đảo; tổ chức đoàn đi thăm chiến sĩ, đảo, chăm sóc gia đình chiến sĩ làm nhiệm vụ ngoài hải đảo. Tập đoàn cũng là thành viên Quỹ xã hội ngành Công Thương, tham gia tích cực Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ Học bổng Vừ A Dính. Tổng nguồn kinh phí công tác xã hội, từ thiện mỗi năm khoảng 60 tỷ đồng, chủ yếu do người lao động đóng góp.
Đặc biệt, những năm qua, Petrolimex đã hỗ trợ huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) xây dựng 8 trường học cho các đối tượng học sinh mầm non, tiểu học, học sinh trung học, lớp bồi dưỡng chính trị, trung tâm dạy nghề. Những “ngôi trường chữ P” là tình cảm, thể hiện trách nhiệm cộng đồng của cán bộ công nhân viên, người lao động Petrolimex dành cho Đồng Văn; thể hiện trách nhiệm xã hội của tập đoàn giúp các địa phương xóa đói, giảm nghèo. Tất cả chương trình do Petrolimex đầu tư đều được Đảng bộ và chính quyền địa phương đánh giá cao trong việc phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đồng Văn...
Với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của ngành Than - Khoáng sản Việt Nam, với phương châm “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, những năm qua, cán bộ, công nhân viên TKV đã đóng góp, trích từ quỹ phúc lợi... hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động ASXH.
Theo sự phân công của Chính phủ, tập đoàn đã hỗ trợ cho 3 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a gồm: Ba Bể (Bắc Kạn), Mèo Vạc (Hà Giang), Đam Rông (Lâm Đồng) hàng trăm tỷ đồng để xóa hàng nghìn nhà dột nát, xây dựng chợ, mua thiết bị y tế, xây dựng trường học, trạm y tế; hỗ trợ tổ chức đào tạo nghề công nhân kỹ thuật cho hàng nghìn con em đồng bào dân tộc... Những hành động nghĩa tình của TKV đã nâng cao cơ sở vật chất cho người dân và địa phương, đơn vị được hỗ trợ, nhiều gia đình, cá nhân khó khăn có điều kiện từng bước ổn định cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí, góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Tây Bắc là địa bàn chiến lược, có tiềm năng lợi thế về lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch, vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống lâu đời với nhiều nét văn hóa đặc trưng riêng biệt… Bằng việc làm thiết thực, tâm huyết, các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Công Thương đã chung tay tham gia công tác ASXH, góp phần để Tây Bắc, vùng biên cương của Tổ quốc phát triển nhanh, bền vững cùng cả nước. |