Đẩy mạnh xử lý tro xỉ, thạch cao Thiếu định mức kinh tế kỹ thuật: Doanh nghiệp gặp khó trong tiêu thụ tro xỉ, thạch cao |
Ngày 24/11 tại Quảng Ninh đã diễn ra Hội thảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy Nhiệt điện, phân bón, hóa chất.
Hội thảo do Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổng Công ty Điện lực -TKV (Tập đoàn Công nghiệp Than -Khoáng sản) tổ chức với sự tham dự của các tập đoàn, tổng công ty, nhà máy nhiệt điện than, hóa chất, phân bón phát sinh tro, xỉ, thạch cao cùng nhà tiêu thụ, Sở Công Thương trên toàn quốc.
Dự án đường cao tốc chưa sử dụng tro, xỉ, thạch cao
Hội thảo nhằm đánh giá tổng thể về kết quả thực hiện Đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 và Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 14/4/2017 cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp phát sinh tro, xỉ, thạch cao, từ đó đề ra phương hướng giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao tại các doanh nghiệp hiện nay.
Qua đó, kết nối với các doanh nghiệp phát sinh tro, xỉ, thạch cao với các cơ quan quản lý địa phương với các đơn vị xử lý và tiêu thụ; chia sẻ về tiềm năng thị trường tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao để các doanh nghiệp có những định hướng mới trong việc xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao.
Ngày 12/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg (gọi tắt Quyết định 452) phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Bà Đỗ Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp Đỗ Phương Dung cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng theo Quyết định 452, các doanh nghiệp phát sinh tro, xỉ, thạch cao gặp không ít khó khăn trong việc xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao dẫn đến tình trạng tro xỉ, thạch cao bị tồn đọng tại bãi chứa ngày càng lớn, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không còn chỗ chứa tro, xỉ, thạch cao phát sinh.
Hiện nay, theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 1 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, tro, xỉ, thạch cao được coi là chất thải thông thường và sau khi được hợp chuẩn hợp quy thì tro, xỉ, thạch cao được quản lý như đối với sản phẩm hàng hóa. Với quy định này, các doanh nghiệp phát sinh tro, xỉ, thạch cao đang dần giải được bài toán về tro, xỉ, thạch cao đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ..
Đơn cử như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ngay từ khi phát sinh lượng tro xỉ, thạch cao Ban lãnh đạo Nhà máy đã giao nghiệm vụ cho Bộ phận môi trường lên kế hoạch bao tiêu khối lượng tro xỉ thạch cao thực hiện theo Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi có kết quả đánh giá chất lượng tro xỉ, thạch cao, Nhà máy đã mời Công ty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm định Vinacontrol để tiến hành Đăng ký hồ sơ công bố hợp chuẩn/ hợp quy đồng thời xác định giá trị của tro bay, xỉ đáy lò, thạch cao Nhà máy đã tiến hành lựa chọn đơn vị thẩm định giá.
Sau khi đơn vị thẩm định giá ra chứng thư cho giá của tro bay, xỉ đáy lò, thạch cao, Nhà máy đã lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản quyền bao tiêu tro bay, xỉ đáy lò, thạch cao theo Luật Đấu giá và triển khai các công việc lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện công tác lựa chọn đơn vị bao tiêu tro bay, xỉ đáy lò.
Kết quả, buổi đấu giá diễn ra thành công và Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã lựa chọn được đơn vị bao tiêu với mức trả giá cao nhất với giá trúng đấu giá hơn 190,7 tỷ đồng, vượt hơn so với giá khởi điểm là 95,76 tỷ đồng.
Mặc dù 100% tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy đã đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa theo Chỉ thị 08, tuy nhiên hiện nay tro, xỉ, thạch cao vẫn chỉ được sử dụng cho sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp nền đường… tuy nhiên lại chưa được sử dụng cho san nền đường cao tốc, mặc dù thời gian qua vấn đề thiếu cát để san lấp nền đường cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam đang xảy ra tại nhiều địa phương.
Thực tế, tro xỉ các nhà máy đã được sử dụng làm vật liệu san lấp ở nhiều địa phương, như tỉnh Quảng Ninh, đã đem lại hiệu quả lớn cho cả địa phương và doanh nghiệp. Nhu cầu san lấp tại Bình Thuận, Ninh Thuận củng rất cao nhưng hiện nay khối lượng tro xỉ được đưa đi san lấp vẫn không đáng kể.
Ngoài ra, nhu cầu vật liệu làm nền đường cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam rất lớn, riêng giai đoạn 1 của dự án, từ nay đến năm 2024, tổng nhu cầu vật liệu san lấp khoảng 50 triệu m3.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có Văn bản số 7020/BGTVT-KHCN ngày 19/7/2021, chỉ đạo các ban quản lý dự án gần các nhà máy nhiệt điện nghiên cứu, lựa chọn các hạng mục công trình phù hợp để sử dụng tro, xỉ nhưng đến nay, chưa có dự án nào sử dụng tro xỉ làm vật liệu.
Chỉ ra những vướng mắc trong xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao.
Tại hội nghị, ông Phạm Sinh Thành - Trưởng phòng Công nghiệp Môi trường - Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương khẳng định: "Hiện nay việc xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các doanh nghiệp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, về cơ bản các doanh nghiệp đã tiêu thụ hoàn toàn lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh hàng ngày và giải phóng một phần lượng tro, xỉ, thạch cao tại bãi chứa. Tuy nhiên, vẫn còn có những nguyên nhân khác nhau nên các doanh nghiệp vẫn chưa giải phóng hoàn toàn được lượng tro, xỉ, thạch cao đã tồn từ trước tại bãi chứa đảm bảo đáp ứng lượng tồn trữ tại bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón nhỏ hơn tổng lượng phát thải của 2 năm sản xuất".
Ông Phạm Sinh Thành thông tin tại hội thảo |
Để tiếp tục thực hiện Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021, trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì tổ chức kiểm tra việc thực hiện đề án xử lý tro, xỉ, thạch cao do các cơ sở phát thải lập và phê duyệt, đảm bảo yêu cầu lượng thải chứa trong bãi không vượt quá 2 năm sản xuất theo công suất thiết kế.
Hiện nay, theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, tro, xỉ, thạch cao được coi là chất thải thông thường và sau khi được hợp chuẩn hợp quy thì tro, xỉ, thạch cao được quản lý như đối với sản phẩm hàng hóa.
Ông Phạm Sinh Thành cho biết, qua theo dõi kiểm tra, giám sát, 100% tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy đã là hàng hóa theo Chỉ thị 08, thực tiễn rất nhiều đơn vị phải giảm diện tích bãi chứa xuống nên phải mất chi phí để hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển tro, xỉ. Từ đó phát sinh vướng mắc căn cứ để thanh toán chi phí hỗ trợ vận chuyển?
Bên cạnh đó, một số các đơn vị, chất lượng tro xỉ thấp do đặc thù của công nghệ đốt, cũng như đặc tính của nhiên liệu đốt, do vậy tro xỉ chỉ làm được một số việc phụ gia khoáng cho xi măng cũng như phụ gia cho bê tông dẫn đến thị trường tiêu thu hạn hẹp, nhất là Nhà máy sử dụng công nghệ Lò sôi tần hoàn.
Đại diện Công ty CP hữu hạn Vedan cho biết, thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ tro, xỉ chưa nhiều trong khi vấn đề vận chuyển, cung đường vận chuyển thuận lợi là một lợi thế. Ngoài ra nhiều chính sách còn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, đại diện của Vedan cho biết, công ty tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao cho sản xuất vật liệu xây dựng và tổ chức bán hàng. Mặc dù chi phí đầu tư cao nhưng hoạt động trên đã góp phần nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp trong việc thực thi trách nhiệm xã hội cũng như quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp trong phát triển bền vững.
Vấn đề sản xuất hàng hóa tro xỉ, khi thành hàng hóa phải các nhà máy phải bảo quản, đảm bảo chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, trước kia, theo quy định chỉ là chất thải tro xỉ nên một số nhà máy khi đầu tư xây dựng không lập kế hoạch, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng để quản lý và xuất bán theo quy định về quản lý hàng hóa (silo, cảng…) do đó, nếu bây giờ đầu tư ngoài chi phí đầu tư cao thì liên quan đến các vấn đề quy định về thiết kế kỹ thuật, quy định đầu tư…
Ngoài ra, Đề án xử lý tro xỉ, tiêu thụ thạch cao của các nhà máy được lập lần đầu tiên vào 31/12/2018, thời điểm đó chưa có nhiều chính sách, hạn chế về thị trường nên Đề án lập chưa sát thực tiễn và phù hợp với các quy định hiện hành hiện nay. Do vậy cơ quan quản lý đã khuyến cáo các doanh nghiệp lập lại đề án cho phù hợp với các quy định, chính sách hiện hành và tình hình thị trường.
Ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ thông tin về công tác tiêu thụ tro, xỉ tại các nhà máy của Tổng Công ty Điện lực -TKV |
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng phòng An toàn, Tổng công ty Điện lực -TKV cho biết, tính đến hết tháng 10/2023 tổng lượng tro, xỉ tồn lưu tại các bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện thuộc tổng công ty còn khoảng 12.444.994 tấn (tro, xỉ khô)
Hiện nay, các đơn vị trong Tổng công ty đang nỗ lực tìm kiếm, liên hệ, đàm phán với các đối tác đóng trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận có nhu cầu sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, làm phụ gia xi măng, làm vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật để giải phóng bãi chứa đảm bảo yêu cầu vận hành an toàn nhà máy, bảo vệ môi trường và yêu cầu theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, đại diện Tổng Công ty Điện lực -TKV cũng cho biết, hiện vật liệu không nung tiêu thụ còn hạn chế do thị trường vẫn đang tồn tại nhiều vật liệu xây dựng truyền thống nên tro, xỉ phục vụ cho sản xuất vật liệu không nung không đáng kể.
Bên cạnh đó, mặc dù, tro, xỉ của nhà máy là sản phẩm hàng hóa, đã được hợp chuẩn, hợp quy theo TC, QCVN, nhưng trong thực tế khi có những tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tro, xỉ của nhà máy để san lấp mặt bằng, làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng…đã phát sinh những vướng mắc trong các quy định của văn bản pháp luật, các vướng mắc về cơ chế, chính sách, sự nhận thức chưa đầy đủ của cộng đồng xã hội về tro xỉ, dẫn đến việc chuyển giao và tiêu thụ tro, xỉ còn tồn tại những hạn chế, bất cập.
Ngoài ra, tro xỉ theo quy định hiện nay được xem là chất thải rắn công nghiệp thông thường và được quản lý như hàng hóa đầu vào của các ngành khác. Tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước về các thủ tục pháp lý sử dụng tro xỉ như hàng hóa.
Ông Tạ Tuấn Anh chia sẻ ý kiến tại hội thảo |
Cùng quan điểm với các doanh nghiệp, ông Tạ Tuấn Anh- Phó trưởng Ban Kỹ thuật Sản xuất- Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Hiện nay tro xỉ không còn là chất thải mà là hàng hóa, do vậy cách đối xử với tro xỉ hoàn toàn khác. Đối với chất thải, doanh nghiệp phải tổ chức đấu thầu xử lý khác với hàng hóa và trách nhiệm của chủ nguồn thải quản lý đã được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, là hàng hóa thì trách nhiệm quản lý của các nhà máy khi bán hàng hóa đó đến đâu? Hạch toán doanh thu hàng hóa này thế nào? có giảm trừ vào giá điện không? Hướng sử dụng chi phí này thế nào?
Ông Tạ Tuấn Anh cho rằng, trong 5 năm tới nhu cầu san lấp cho các công trình xây dựng, giao thông rất nhiều, tuy nhiên hiện nay chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn quy chuẩn, định mức kỹ thuật chi tiết về công trình xây dựng, giao thông. Sử dụng tiền của nhà nước không có hướng dẫn cụ thể thì không doanh nghiệp nào dám làm. Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng phải đưa ra được hướng dẫn chi tiết thì vấn đề tiêu thụ tro xỉ mới tháo gỡ được các vướng mắc hiện có.
Còn nhiều quy định và chính sách cần phải bổ sung
Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, với quy định này, các doanh nghiệp phát sinh tro, xỉ, thạch cao và các doanh nghiệp tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao sẽ có cơ hội kết nối tạo thị trường tiêu thụ bền vững giúp các doanh nghiệp phát sinh tro, xỉ, thạch cao giải được bài toán về tro, xỉ, thạch cao đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Lưu Việt Đức- Phó Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chia sẻ, tro xỉ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã được đánh giá, cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp qui phù hợp cho bê tông, vữa xây dựng và xi măng, làm vật liệu xây san lấp, làm nền đường ô tô… Tuy nhiên, với khối lượng tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân khoảng 3 triệu tấn/năm và lượng tro xỉ tại các Trung tâm Điện lực khác, nên nếu chỉ sử dụng tro xỉ làm phụ gia xi măng sẽ vượt quá khả năng tiêu thụ hết.
Ông Lưu Việt Đức- Phó Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 |
Từ thực tế đó, Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân 2, kiến nghị các Bộ ngành, UBND các tỉnh xem xét đề xuất sử dụng tro xỉ thay thế vật liệu xây dựng truyền thống (làm tấm vật liệu áp tường, tấm trần thay thế tấm trần thạch cao …) cũng như sử dụng trong việc san lấp công trình, làm nền đường giao thông, có như thế mới giải quyết được căn cơ bài toán tiêu thụ tro xỉ phát sinh tại các Trung tâm Điện lực.
Còn theo ông Nguyễn Văn Cường, để đẩy mạnh tiêu thụ tro, xỉ bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân, xã hội, Nhà nước cần tháo gỡ về mặt cơ chế, có chính sách chế độ hỗ trợ tiêu thụ tro, xỉ, đặc biệt là các nhà máy nằm xa khu vực trung tâm phải thuê xử lý tro xỉ. Đồng thời, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền các địa phương cần có hướng dẫn/quy định chi tiết về các thủ tục pháp lý trong việc xử lý tiêu thụ tro xỉ.
Đại diện Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương cho rằng, vấn đề không phải nằm ở tro xỉ, thạch cao mà là từ các quy định, chính sách trong bảo vệ môi trường, chính sách để cho các sản phẩm hàng hóa đó có thể tiêu thụ ngoài thị trường.
Bà Đặng Phương Dung khẳng định, hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn cũng như những khó khăn,vướng mắc. Trên cơ sở đó, Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường sẽ báo cáo Bộ Công Thương các kiến nghị của doanh nghiệp để gửi đến các cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bố sung các quy định pháp luật để phù hợp với thực tiễn.
Đại diện các doanh nghiệp cũng kiến nghị, Bộ Xây dựng ban hành định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật thi công và nghiệm thu sử dụng tro xỉ đắp nền đường ô tô và Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ hoàn nguyên mỏ, chưa hướng dẫn đồng xử lý tro xỉ, thạch cao trong sản xuất vật liệu xây dựng, chưa hướng dẫn chôn lấp tro, xỉ, thạch cao trong trường hợp tro xỉ , thạch cao không sử dụng tái chế được mặc dù theo Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ phân công các Bộ này phải hoàn thành trước 30/6/2022. |