Không ngừng cập nhật để đổi mới, cải tiến nội dung, phương pháp dạy và học sẽ giúp giáo dục Việt Nam tiệm cận hơn với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Đáng chú ý, việc coi trọng “giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội” khiến ta có quyền kỳ vọng vào những thế hệ trẻ vững vàng về tư tưởng, tích cực, lành mạnh về đạo đức, lối sống, đồng thời chắc chắn về kỹ năng chuyên môn, lại linh hoạt, nhạy bén và không ngừng sáng tạo.
Chưa bao giờ dư luận lại lo ngại nhiều đến thế về đạo đức của học sinh, sinh viên như hiện nay. Tư tưởng, nhận thức, lối sống là những vấn đề cần nhiều thời gian, kiên trì và dứt khoát để điều chỉnh. Chú trọng truyền đạt kiến thức, kỹ năng mà bỏ quên giáo dục đạo đức, lối sống thì sẽ đào tạo ra những người trẻ non nớt về kỹ năng sống, dễ dàng sa ngã trước những khó khăn.
NGUYỄN CẢNH HƯNG (Sinh viên Lớp CQ52/32.03, Khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Tài chính)
Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI có viết: “Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề. Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học”.
Theo lý luận dạy học hiện đại, nội dung và phương pháp dạy học là 2 thành tố quan trọng của quá trình dạy học. Nội dung là sự cụ thể hóa mục tiêu đào tạo, quyết định đến chất lượng đào tạo. Phương pháp dạy học là sự vận động của nội dung, chuyển tải nội dung dạy học đến người học. Vì vậy, giữa nội dung và phương pháp dạy học luôn có quan hệ chặt chẽ, gắn bó với nhau.
Để thực hiện đổi mới nội dung gắn với đổi mới phương pháp dạy học, cần thực hiện: Nâng cao nhận thức của đội ngũ giảng viên về đổi mới nội dung và đổi mới phương pháp. Đổi mới nội dung không chỉ thực hiện ở chương trình, giáo trình mà phải cụ thể ở từng chủ đề của từng giảng viên đảm nhiệm. Không ai nắm chắc nội dung chủ đề bằng giảng viên. Vì vậy, muốn đổi mới nội dung, và nội dung đó sẽ quyết định phương pháp, giảng viên phải đổi mới và nâng cao chất lượng chủ đề bài giảng. Các khoa phải phân công giảng dạy hợp lý, sát với khả năng, kinh nghiệm, có giảng viên giảng chính, giảng viên giảng phụ. Khuyến khích, động viên, tạo cơ hội để giảng viên tích cực đổi mới nội dung gắn với đổi mới phương pháp dạy học. Trong đánh giá phải có quan điểm ủng hộ những thử nghiệm, sáng tạo mới, dù chưa hoàn thiện.
Thượng tá, TS NGUYỄN XUÂN SINH (Chủ nhiệm bộ môn Khoa Sư phạm Quân sự, Học viện Chính trị)