Đào tạo nghề cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả |
Thực hiện "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn", Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các bộ, ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Chính quyền các cấp trong cả nước đã nhận thức được tầm quan trọng việc dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, kinh tế; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững khu vực nông thôn. Nhờ đó, nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động đã được hình thành.
Hà Nội là một điển hình trong cả nước việc thực hiện thành công đề án, nhiều địa phương trên địa bàn triển khai rất hiệu quả chương trình. Tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội), nhiều hộ chính sách được tham gia đào tạo, phát huy được nghề học ngay tại địa phương hoặc được tuyển dụng vào làm tại doanh nghiệp.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" của thị xã Sơn Tây, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn thị xã được nâng lên qua từng năm (trước khi thực hiện Đề án năm 2010 là 22% và đến năm 2018 tăng lên 60,3%).
Từ các lớp dạy nghề đã tạo thêm nhiều việc mới, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người lao động. Ngoài ra, các quy mô lớp học cũng được thị xã mở rộng, ngành nghề đào tạo gắn với nghề truyền thống và nhu cầu của bà con. Năm 2018, thị xã Sơn Tây đã tổ chức 57 lớp dạy nghề cho 1.984 học viên; trong đó, nhóm nghề nông nghiệp thu hút 1.494 học viên, tổ chức thành 43 lớp; nhóm nghề phi nông nghiệp cũng thu hút 490 học viên, tổ chức thành 14 lớp. Tỷ lệ học viên có việc làm sau học nghề đạt tỷ lệ 83,2%.
Năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 15.615 lao động nông thôn, trong đó, 9.060 người được đào tạo nghề nông nghiệp và 6.555 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp. Việc đào tạo nghề cho lao động được Hà Nội thông qua hình thức hợp đồng đặt hàng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp đáp ứng đầy đủ điều kiện về đào tạo nghề theo quy định, với mục tiêu là sau học nghề, tỷ lệ lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn... đạt tối thiểu 80%.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đề xuất UBND TP. Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tạo sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, ngành. Đặc biệt, đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Hà Nội quán triệt các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo nghề đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng, đúng quy định. Đặc biệt, chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi đã xác định được đầu ra và mức thu nhập với việc làm có được sau học nghề. |