Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá Chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ cho cán bộ QLNL và KTVNL. Đồng thời, đánh giá nhu cầu đào tạo nâng cao của cán bộ QLNL và KTVNL, từ đó có những khuyến nghị cải tiến chương trình theo định hướng học tập suốt đời.
Ông Markus Bisel - Trưởng Hợp phần hiệu quả năng lượng Dự án EVEF phát biểu tại hội thảo trực tuyến |
Có thể thấy, các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam hiện nay tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp. Năm 2019, có hơn 3.006 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, trong đó 2.441 cơ sở thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo danh sách ban hành hàng năm của Thủ tướng Chính phủ bắt buộc bổ nhiệm cán bộ QLNL được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận và thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc 3 năm/lần. Như vậy, cán bộ QLNL và KTVNL có vai trò rất quan trọng đóng góp vào hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Markus Bisel - Trưởng Hợp phần Hiệu quả năng lượng (Dự án EVEF) - cho biết, thông qua dự án, Bộ Công Thương đã đào tạo được hơn 250 cán bộ QLNL. Để đảm bảo duy trì, nâng cao chất lượng QLNL, KTVNL, Bộ Công Thương và GIZ đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng mô hình đào tạo, cấp chứng chỉ theo định hướng học tập suốt đời. “Học tập suốt đời là yếu tố rất quan trọng để cải thiện quá trình và hiệu quả của công tác cấp chứng chỉ. Chúng tôi thấy, cần có thêm nhiều hoạt động đào tạo, tập huấn bởi thời gian và nội dung cho chương trình đào tạo hiện nay chưa đầy đủ và phù hợp. Từ kinh nghiệm quốc tế, Chương trình đào tạo cán bộ QLNL và KTVNL cần phải được cập nhật. Trong bối cảnh dịch Covid-19, có thể tăng cường đào tạo theo hình thức trực tuyến” - ông Markus Bisel nói.
Để thực hiện mô hình học tập suốt đời, các chuyên gia đề nghị, Bộ Công Thương cần ban hành quy trình đào tạo mới, cập nhật các giáo trình, tài liệu và bổ sung hình thức trực tuyến đối với đào tạo, đăng ký học, tổ chức thi sát hạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học viên… |
Ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh văn phòng Tiết kiệm năng lượng (Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững) - chia sẻ, chương trình đào tạo đã giúp Bộ Công Thương và doanh nghiệp nâng cao năng lực trong công tác QLNL. Bộ Công Thương cũng đề xuất chương trình hỗ trợ đào tạo trong thời gian tới theo hướng tiếp cận công nghệ mới, công nghệ 4.0. Để các nhà QLNL và KTVNL sau khi đào tạo có thể đáp ứng được công nghệ mới, quy định mới, các chuyên gia cần nghiên cứu mô hình học tập suốt đời, đưa thêm nội dung về chính sách, công nghệ mới trong chương trình đào tạo, đáp ứng được tình hình thực tế.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ Việt Nam (VETS), hiện nay, Bộ Công Thương đang giao cho các cơ sở đào tạo cùng địa phương chủ động triển khai thực hiện công tác đào tạo. Mỗi đơn vị triển khai không đồng nhất dẫn đến chất lượng đầu ra khác nhau, trong khi các quốc gia đều khuyến khích mô hình học tập suốt đời để sau khi được cấp chứng chỉ, các cán bộ QLNL và KTVNL hàng năm tiếp tục tham gia đào tạo trực tuyến hay trực tiếp đều có thể tiếp cận thông tin, công nghệ mới. Đồng thời, cần cập nhật nội dung chương trình đào tạo theo hướng trực quan, tăng cường thời gian thực hành; bổ sung hình thức đào tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn; thay đổi quy trình cấp mới gia hạn chứng chỉ…