"Hiện tượng trước nay chưa từng có" như cách gọi của ông Vũ Đức Tùng, quyền Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội) về phim “Đào, phở và piano” đã kéo hàng nghìn khán giả đến rạp những ngày qua.
Trung tâm đã cắt suất chiếu phim “Mai” đang hot của Trấn Thành để tăng suất chiếu của “Đào, phở và piano” từ 3 lên 11, rồi 18, nhưng để “săn” được một cặp vé vẫn là một “cuộc chiến” khốc liệt với nhiều người.
Bức ảnh cùng dòng trạng thái "Hết “Đào” rồi, còn “Mai” thôi!" được chia sẻ vào tối 20/2 trên một Fanpage hơn 4 triệu người theo dõi |
Tại quầy bán vé, tới mức trung tâm phải thông báo với 3 gạch đầu dòng: Hiện nay hệ thống vé online đang quá tải nên không thanh toán được bằng cách quét QR tại quầy; vé phim “Mai” còn rất nhiều”; vé phim “Đào, Phở…” ngày 20/2 đã hết, hôm sau 21/2 chỉ còn ít khung giờ.
Sức hút của bộ phim cũng khiến trang web của Trung tâm Chiếu phim quốc gia bị sập trong nhiều ngày do lượng người truy cập quá đông, tới đêm 20/2 vẫn chưa thể khắc phục.
Do “Đào, phở và piano” chỉ được chiếu duy nhất ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia nên việc đánh giá phim này hot hơn các phim khác như “Mai” hay “Gặp lại chị bầu” được chiếu toàn quốc với hàng nghìn suất chiếu một ngày sẽ là khập khiễng, vội vàng.
Song thống kê của Box Office Vietnam trong ngày 20/2 cũng là một cái gì đó để chúng ta dám đặt lên bàn cân so sánh, khi tỷ lệ vé bán ra của “Đào, phở và piano” lên tới hơn 200 vé/suất chiếu, trong khi hot như “Mai” trung bình chỉ 65 vé/suất chiếu, “Gặp lại chị bầu” chỉ 29,7 vé/suất chiếu.
Tính đến chiều 20/2, đã có hơn 13.000 vé được bán ra dành riêng cho “Đào, phở và piano”, doanh thu ước tính là gần 700 triệu đồng - một con số khá ấn tượng đối với một phim được Nhà nước đặt hàng và chỉ bán vé tại một rạp duy nhất.
Vì đâu mà “Đào, phở và piano” lại khiến khán giả ùn ùn tới rạp như vậy? Vì đâu mà một bộ phim thuộc dòng phim lịch sử, không có truyền thông lại “ăn khách” tới vậy”?
Có nhiều yếu tố dẫn tới kết quả này, chẳng hạn như "cú hích mạng xã hội" như nhiều người đang đề cập, sự tò mò, tâm lý đám đông... Song mấu chốt phải là chất lượng phim, là kịch bản, là diễn xuất, là hữu xạ tự nhiên hương!
Nếu phim không hay, kịch bản không tốt, không phù hợp xu thế, chạm được tới cảm xúc thì có truyền thông tốt tới mấy, chiêu trò tới mấy, khán giả cũng không bỏ tiền, bỏ thời gian đi xem.
Hãy nhìn “Hồng Hà nữ sĩ” – phim được Nhà nước đặt hàng ra rạp cùng dịp, trong ngày 20/2 có 3 suất chiếu, chỉ bán được 54 vé, thu về vỏn vẹn 2,7 triệu đồng.
Cách đây không lâu là “Huyền sử vua Đinh”, “Sống cùng lịch sử”, “Thiên mệnh anh hùng’…và rất nhiều phim khác, dù được đầu tư lớn song liên tục thất bại về doanh thu phòng vé.
Nguyên nhân dẫn tới những thất bại này đã được các nhà quản lý, chuyên gia văn hoá, nhà nghiên cứu lịch sử mổ sẻ rất nhiều. Tựu trung với 4.000 năm dựng nước và giữ nước, lịch sử Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ, nhiều chất liệu hay để làm nên một bộ phim, chỉ là chưa được khai thác xứng tầm.
Điều này được chứng minh bởi chính “Đào, phở và piano” khi không chỉ sập web, cháy vé, mà theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, hiện đã có hai doanh nghiệp điện ảnh tư nhân là Beta Media, Cinestar chủ động liên hệ với cục, bày tỏ nguyện vọng được chiếu phim “Đào, phở và piano” tại các cụm rạp của doanh nghiệp.
Nó cũng chứng minh thêm một điều rằng, khán giả không phải không yêu thích phim lịch sử. Nếu phim làm chất lượng, phù hợp với xu thế, nội dung chạm tới cảm xúc của người xem, hoàn toàn có thể mang ra rạp để “thi đấu”, để gây “bão phòng vé”.
Và hơn cả, qua những bộ phim này, còn giúp khắc họa được lịch sử nước nhà một cách đầy đủ, kiêu hùng nhất, giúp người Việt thêm yêu lịch sử như điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc đã làm rất tốt nhiều năm qua.