Phim 'Đào, Phở và Piano' tham dự vòng sơ tuyển giải Oscar Chiếu phim "Đào, Phở và piano" trên toàn quốc từ 22/2 Sau "cơn sốt" Đào, phở và piano: Làm gì để phim đặt hàng đến gần hơn với khán giả? |
Vừa qua, tác phẩm Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn (do Công ty cổ phần Phim truyện 1 sản xuất), đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chọn làm đại diện phim Việt Nam tranh tài trong vòng sơ tuyển giải Oscar 2025. Được biết, phim được lựa chọn từ danh sách 4 tác phẩm được gửi đến Cục Điện ảnh, trong đó có Cái giá của hạnh phúc, Lật mặt 7: Một điều ước và Mai.
Cảnh trong phim Đào, phở và piano. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. |
Ngay lập tức, thông báo về việc lựa chọn phim đã gây ra luồng ý kiến trái chiều trong dư luận. Một số người cho rằng, phim không đạt đủ “tầm” để có thể tranh giải Oscar, một trong những giải thưởng danh giá nhất của điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, một số luồng ý kiến lại cho rằng, trong số 4 tác phẩm được lựa chọn, thì Đào, phở và piano là tác phẩm có ý nghĩa lớn nhất
Được biết, tác phẩm Đào, phở và piano lấy bối cảnh Hà Nội trong cuộc chiến 60 ngày đêm cuối năm 1946, đầu năm 1947, ca ngợi tinh thần của chiến sĩ, nhân dân Hà Nội thời bom đạn. Phim tạo ra "cơn sốt" săn vé dịp đầu năm, đạt doanh thu 21 tỷ đồng.
Ngoài thành công về doanh thu, tác phẩm cũng đạt được sự đón nhận khá tích cực của công chúng. Phần lớn khán giả đã bày tỏ sự xúc động khi xem bộ phim và dành nhiều lời khen cho hình ảnh, quay phim và diễn viên, đặc biệt ở cách truyền tải thông điệp không nặng nề như những phim về đề tài chiến tranh trước đó. Phim cũng đã đạt giả Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 và Cánh Diều Bạc tại giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Tuy vậy, Đào, phở và piano cũng đã nhận được một số lời phê bình. Trong một bài viết trên trang Tạp chí Điện ảnh, thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam, tác giả Vũ Anh cho rằng, cấu trúc của phim đã quá dàn trải, và diễn biến tâm lý nhân vật còn thiếu chặt chẽ. Tương tự, tác giả Nguyễn Mạnh Hà trên báo Phụ nữ Việt Nam đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý trong việc xây dựng nhân vật trong phim và có phần hơi thiên về hình thức.
Tuy vậy, cả 2 nhà phê bình phim đều nhận định: Đào, phở và piano có ý nghĩa to lớn, khi là một trong những bộ phim hiếm hoi về đề tài chiến tranh mà được sự ủng hộ rộng rãi của giới trẻ. Cụ thể, tác giả Vũ Anh viết rằng phim đã cho thấy được sự đổi mới của phim Việt Nam nói chung, và phim điện ảnh của nhà nước nói riêng. Còn về phía Nguyễn Mạnh Hà, tác giả này cho rằng bộ phim có thể thúc đẩy các nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư làm phim về đề tài chiến tranh.
Quay lại câu chuyện về giải Oscar, ít ai trên mạng xã hội nhận thấy hành trình của một bộ phim quốc tế đến với giải thưởng danh giá này gian nan đến mức nào, đặc biệt là đối với phim Việt Nam. Kể từ năm 1993, chỉ có 21 bộ phim Việt Nam được gửi dự tranh hạng mục Phim quốc tế xuất sắc nhất và chỉ duy nhất Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng lọt vào danh sách 5 bộ phim được đề cử chính thức.
Một cảnh trong phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng. Ảnh: Moveek.com |
Năm 2023, có tới 92 tác phẩm phim được gửi đến Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ để chọn lựa tranh giải Oscar. Trong số đó, Ủy ban Sơ khảo Phim truyện Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm đã bỏ phiếu kín để chọn ra 15 tác phẩm phim qua vòng sơ khảo, rồi từ 15 tác phẩm trên chọn ra 5 tác phẩm xuất sắc nhất để được đề cử chính thức.
Việc giành được đề cử chính thức là một thành tựu lớn đối với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt khi phải cạnh tranh với các quốc gia có truyền thống điện ảnh lâu đời và danh tiếng như Pháp, Đức, Nhật Bản. Mặc dù điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể kể từ thời kỳ Đổi mới, nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chính vì vậy, sự lựa chọn bộ phim tham dự giải Oscar không chỉ là lợi động viên, khích lệ điện ảnh nước nhà, mà là cơ hội để quảng bá hình ảnh về Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Về mặt này, Đào, phở và piano đã tạo điểm nhấn so với những “đối thủ” của mình trong năm nay, khi là bộ phim duy nhất nói về tình yêu nước trong thời điểm chiến tranh.
Dù "giấc mơ Oscar" của Việt Nam còn xa vời, nhưng nếu thiếu sự ủng hộ từ khán giả và đầu tư mạnh mẽ vào ngành điện ảnh, thì giấc mơ ấy có thể sẽ mãi chỉ là "giấc mơ". Để biến ước mơ đó thành hiện thực, cần có những tác phẩm tiên phong, khơi dậy niềm đam mê và sự quan tâm của giới trẻ đối với điện ảnh Việt. Ở khía cạnh này, Đào, phở và piano đã gặt hái thành công rực rỡ.
Giải Oscar được coi là giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh, do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ tổ chức. Sự kiện sẽ diễn ra ở thành phố Los Angeles, Mỹ, vào ngày 3/3/2025. Những năm gần đây, Việt Nam tham gia sơ tuyển hạng mục Phim quốc tế với các đề cử như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô Ba Sài Gòn, Hai Phượng, Mắt biếc, Bố già, Tro tàn rực rỡ, nhưng đều không thành công. |