Ảnh: DUCA
CôngThương - Nơi thờ là đền, đình, phủ, miếu. Việc cúng tế được tổ chức vào những dịp lễ hội do các chức sắc trong làng đứng ra đảm trách và cả cộng đồng cùng lo thực hiện. Còn đạo Gia Tiên lấy hiếu nghĩa làm gốc nên chủ trương thờ anh linh tất cả những người thân thích ruột thịt đã có công sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ mình cùng anh em, con cháu, không căn cứ tài giỏi hay công trạng gì, dù bát hương khác nhau nhưng đều đặt trên cùng một ban thờ. đạo Gia Tiên không chỉ đối với từng gia đình mà mà đối với cả từng dòng họ. Hầu như mỗi dòng họ đều có nhà thờ riêng. Việc cúng lễ không chỉ thể hiện lòng tôn kính các bậc tổ phụ, mà trong thâm tâm, con cháu cũng tin rằng tấm lòng, lời thỉnh cầu của mình cũng được cha mẹ, ông bà, tổ tiên chứng giám, che chở, phù hộ độ trì sức khỏe cho mình, làm ăn thuận lợi, phát đạt, gia đình êm ấm, hạnh phúc. Cho nên bất luận mỗi khi có việc lớn, nhỏ gì như: Ngày mai con đi thi, vợ phải lên bàn mổ, chồng sắp xuất hành đi làm xa hoặc chuẩn bị ký kết hợp đồng kinh tế, cho tới việc con lợn nái gần đến ngày sinh bỗng dưng ngã bệnh nằm liệt, ruộng lúa đang kỳ làm đòng tự nhiên bị sâu rầy tàn phá... Để giải tỏa lo lắng, phiền muộn và cầu mong tổ tiên phù hộ, con cháu đều thắp hương khấn vái. Càng thực hiện việc cúng lễ chu đáo bao nhiêu càng thấy lòng thanh thản, tự tin bấy nhiêu. Lời khấn cầu không chỉ xin tổ tiên phù hộ cho mình, mà còn mong anh linh các bậc tổ phụ sớm được siêu thoát luân hồi, kiếp sau tốt hơn kiếp trước... Ai cũng hiểu rằng việc làm của mình cũng chính là tấm gương giáo dục con cháu. Bởi “bất hiếu dĩ tử bất hiếu” mình không hiếu nghĩa với cha mẹ, tổ tiên thì con cháu cũng sẽ bất hiếu với mình. Việc cúng lễ gia tiên thường chỉ phạm vi người trong nhà, trong họ vào những ngày giỗ, Tết hoặc mồng một, rằm hàng tháng. Trong đó, mồng một Tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng là quan trọng nhất. Rằm tháng Giêng còn được coi là Tết Nguyên tiêu, là tiết mở đầu cho thời gian cả năm. Bởi thế “cúng cả năm không bằng cúng rằm tháng Giêng”. Đạo Gia Tiên không có giáo chủ, không có kinh kệ, không có giáo đường, không có thuyết pháp, không có tổ chức giáo phẩm, không nói gì tới thiên đàng, địa ngục, niết bàn nhưng mang tính xã hội rất rộng.
Từ thế kỷ 13, Nho Giáo ảnh hưởng sâu sắc vào nước ta, hiếu nghĩa được coi là chuẩn mực của nhân cách đạo đức, không chỉ trong gia đình, mà còn góp phần rất quan trọng củng cố trật tự xã hội. Vì thế đến thế kỷ 15, dưới triều nhà Lê đã thể chế hóa đạo Gia Tiên. Điều 399 trong “Hình luật” ghi rõ con cháu phải cúng giỗ tổ tiên đến năm đời. Điều 400 quy định về đất hương hỏa để duy trì việc đèn nhang do người giữ vai trò trưởng tộc quản lý, truyền từ đời này tiếp đời khác, dù nghèo khó mấy cũng không được phép bán. Đến triều nhà Nguyễn, tiến sĩ Hồ Sĩ Tân (1690- 1760), người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) dựa theo “Chu Công gia lễ” của Trung Quốc, nhưng không dập khuôn theo Tầu mà sáng tạo cho phù hợp với tập quán nước ta đã biên soạn ra sách “Thọ mai gia lễ”, hướng dẫn rất tỷ mỉ về tang ma và thờ cúng tổ tiên. Theo sách này, vị trí trang trọng nhất trong nhà phải được chọn làm nơi thờ tự. Bởi đó cũng là chốn thiêng liêng nhất, là nơi anh linh các bậc tổ phụ cư ngụ và đi về. Những gia đình, những dòng tộc khá giả không chỉ dành không gian cao, rộng, xây nhà to đẹp, uy nghi mà còn có cổ ngai đặt linh vị, hoành phi, câu đối, cuốn thư... bằng gỗ quý, sơn son thiếp vàng, vẽ rồng, trạm phượng, khắc những câu Hán tự nội dung để thể hiện lòng tôn kính tổ tiên hoặc nhắc nhở con cháu không bao giờ được quên ơn tổ phụ, kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông, như: “Đức lưu quang ”, hoặc “Tình cốt nhục muôn đời không phai nhạt. Nghĩa tử tôn vạn kiếp chẳng thể nhòa”. Đồ thờ như bát hương, đài tửu, mâm bồng, hạc, đỉnh, chuông, đèn... cũng toàn bằng đồng, bằng sứ, bằng gỗ loại quý, đắt tiền. Trên ban nhà thờ họ nơi cao nhất, linh vị cụ khởi tổ được đặt trong cổ ngai, rồi đến bát hương, kế đó các linh vị được xác lập thấp cao theo thế hệ, hoặc bát hương cộng đồng. Trên ban thờ gia tiên, bát hương cộng đồng to nhất đặt chính giữa, thờ vong linh tất cả các thế hệ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em... Một bên đặt bát hương thờ vong linh bà cô, ông mãnh là những người chết yểu khi chưa lập gia đình. Một bên đặt bát hương thờ quan Thổ Công (có gia đình lập ban thờ quan Thổ Công riêng).
Hướng thờ phải hợp với tuổi chủ nhân. Bát hương luôn tọa tĩnh, tránh rung động làm xáo trộn anh linh. Ban thờ phải luôn được chăm lo sạch sẽ. Những ngày giỗ, mồng một đầu tháng, mười tư, rằm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán ban thờ được lau chùi sạch sẽ, trang hoàng rực rỡ, tôn nghiêm, có mâm ngũ quả tươi sắc màu, có bánh chưng xanh, xôi, gà, trầu cau, rượu ngon,đèn luôn sáng, khói hương thơm ngào ngạt. Thắp một nén là “thỉnh” (kính cáo), ba nén là cầu mong “Phúc- Lộc- Thọ”, năm nén là “Phúc- Lộc- Thọ- Khang- Ninh”. Thắp hương bằng hai tay thể hiện lòng quý trọng. Chắp tay trước ngực là thành tâm, đưa cao ngang mặt là tôn kính. Đúng Giao thừa ông bà, bố mẹ, con cháu quây quần cùng hướng lên ban thờ khấn niệm. Cầu mong cho anh linh những người thân quá cố sớm được chuyển kiếp luân hồi, kiếp sau tốt hơn kiếp trước và phù hộ cho những người đang sống luôn khỏe mạnh, làm được nhiều việc nhân đức, tai ương qua, may mắn đến, mọi điều đều hanh thông, thuận lợi rồi cúi đầu vái ít nhất ba vái. Tâm hồn sẽ thấy thanh thản bởi đã làm được một việc đạo nghĩa với các bậc tổ phụ và tự tin mọi sự may mắn sẽ đến.
Đạo Gia Tiên từ bao đời nay vô cùng thiêng liêng và luôn là chỗ dựa tâm linh của người Việt.